Quốc tế

Giải quyết xung đột Nga – Ukraine: Cơ hội cần nắm bắt

Hồng Nhung 19/05/2025 11:45

Nỗ lực giải quyết xung đột Nga - Ukraine, được tiếp động lực từ việc hai nước nối lại đàm phán trực tiếp sau 3 năm gián đoạn, đang được Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ. Cơ hội cho hòa bình đang cần được các bên nắm lấy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga và Ukraine

Hôm nay, dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như các nhà lãnh đạo của một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - về cách thức giải quyết xung đột Nga – Ukraine, sau khi đại diện Nga và Ukraine tiến hành đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau hơn 3 năm gián đoạn.

Truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào 10 giờ sáng 19/5 theo giờ Mỹ (khoảng 22 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam). Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa ông Trump và ông Putin diễn ra vào ngày 18/3 vừa qua.

000_372u8kt-1.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc điện đàm bàn về quan hệ hai nước và giải quyết xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: France24

Viết trên mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ bày tỏ: “Hy vọng đây sẽ là một ngày làm việc hiệu quả, sẽ đạt được lệnh ngừng bắn, và cuộc xung đột này sẽ chấm dứt”.

Trong khi đó, trong phát biểu mới nhất trả lời phỏng vấn của đài truyền hình VGTRK, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga có đủ lực lượng để hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ông nhấn mạnh mục tiêu của chiến dịch là “loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này, tạo nền tảng cho nền hòa bình lâu dài và bền vững cũng như đảm bảo an ninh cho nước Nga”.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, trong đó nhấn mạnh cam kết của Washington trong nỗ lực đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine. Sau cuộc điện đàm, ông Rubio cho biết Moscow đang chuẩn bị một văn bản đưa ra các yêu cầu về ngừng bắn ở Ukraine.

Ảnh chụp màn hình 2025-05-19 105050
Đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine không đạt được đột phá. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn của CBS News, Ngoại trưởng Rubio cũng cho biết Tổng thống Trump muốn tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin càng sớm càng tốt. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho rằng hiện tại, Washington và Moscow cần xác định thời gian, địa điểm diễn ra cuộc họp cũng như các chủ đề thảo luận chính. Đây cũng là điều được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh khi được hỏi về khả năng diễn ra thượng đỉnh Nga – Mỹ.

Châu Âu muốn tăng cường trừng phạt

Sau khi hai phái đoàn đại diện của Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp ở Istanbul mà không đạt được đột phá, Ukraine được cho là đang bắt đầu “tập hợp” lại sự ủng hộ từ các đồng minh để có hành động cứng rắn hơn với Moscow. Tổng thống Ukraine Zelensky đã ngay lập tức có cuộc gặp với lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ba Lan tại Tirana, thủ đô của Albania để cùng điện đàm trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Ảnh chụp màn hình 2025-05-19 104535
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Tirana, Albania ngày 16/5/2025. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào tuần tới: “Liên minh châu Âu sẽ áp dụng gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga vào ngày mai, trong đó sẽ nhắm vào “hạm đội bóng đêm” ở Biển Baltic. Ủy ban châu Âu hiện đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt tiếp theo”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định EU đang soạn thảo một gói trừng phạt mới nhằm vào Moscow, với mục đích “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga.

Ảnh chụp màn hình 2025-05-19 110357
Liên minh châu Âu (EU) muốn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, những thay đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi khẳng định ông cần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để có thể tạo ra đột phá trong giải quyết xung đột - và động thái điện đàm sắp diễn ra - có thể dập tắt hy vọng của châu Âu trong việc thúc đẩy Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Tổng thống Trump cho đến nay đã thể hiện sự đồng cảm với Nga và chỉ trích chính sách thân Ukraine của người tiền nhiệm Joe Biden.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU đã ban hành 17 gói trừng phạt nhắm vào Nga, trong đó bao gồm nhiều biện pháp nhằm hạn chế các hoạt động kinh tế của Moscow với châu Âu, từ xuất khẩu năng lượng đến tài chính, đầu tư. Tuy nhiên theo các chuyên gia, các lệnh trừng phạt này, liên quan đến hơn 2.400 cá nhân và tổ chức, vẫn chưa đạt được kết quả như châu Âu mong đợi. Thay vì thúc đẩy các biện pháp hòa bình, hiện chưa rõ sau các lệnh trừng phạt EU sẽ có thể làm gì tiếp theo.

Thu hẹp khoảng cách

Các bên tới nay vẫn còn bất đồng quan điểm về các điều kiện chính để chấm dứt giao tranh. Nga phản đối đề xuất của Ukraine và các đồng minh phương Tây về lệnh ngừng bắn tạm thời như bước đầu tiên hướng tới một giải pháp hoà bình. Nga muốn các cuộc đàm phán phải hướng tới loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, đó là Ukraine phải trung lập, công nhận chủ quyền của Nga đối với những vùng lãnh thổ lịch sử và NATO phải chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như ngừng mở rộng về phía Đông. Hai bên đã có thể gần đi đến một thỏa thuận từ năm 2022 sau khi xung đột nổ ra, tuy nhiên Tổng thống Zelensky đã rút khỏi đàm phán vào chút chót.

Ảnh chụp màn hình 2025-05-19 105228
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp nhau khi tham dự lễ tang của Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 26/4/2025. Ảnh: Reuters

Thực tế trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào, các bên đều có lập trường riêng và nỗ lực bảo vệ lập trường của mình. Điều quan trọng là thu hẹp khoảng cách và tìm ra một giải pháp khiến mỗi bên đều có thể chấp nhận được. Cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine được kỳ vọng sẽ phần nào giúp xác định rõ các bên đang ở đâu và làm thế nào để hoàn tất cuộc đàm phán này. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff đã bày tỏ hy vọng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ sẽ thành công và góp phần thúc đẩy đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine.

Trên thực địa, giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt, thậm chí gây nhiều thương vong hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh này, nỗ lực hiện nay được coi như bước ngoặt quan trọng. Dù chưa thể đi tới một lệnh ngừng bắn, song việc Nga và Ukraine chấp nhận ngồi chung bàn đàm phán, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực “đứng ra” giải quyết xung đột phần nào đang khai thông thế bế tắc, mở ra hy vọng cho một giải pháp hòa bình sau hơn 3 năm xung đột kéo dài.

Hồng Nhung