Chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5:Làm sống lại di sản trong bảo tàng
Ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng giờ đây không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết để bảo tàng thực sự "sống lại" trong đời sống đương đại và kết nối sâu sắc hơn với công chúng.
Trưng bày Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia gây ấn tượng với công chúng không chỉ ở nét đặc sắc của di sản nghệ thuật Phật giáo mà còn bởi cách diễn giải độc đáo thông qua ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh phiên bản gốc, các di sản xuất hiện dưới dạng trình chiếu bằng kỹ thuật 3D mapping, hologram, digital revival, gauze projection… Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn minh châu Á - đơn vị phối hợp thực hiện trưng bày này, đây là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp hiệu quả giữa di sản văn hóa và công nghệ hiện đại, mang đến những trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc cho người xem.
Từ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến công tác khảo cổ, làm việc trong ngành di sản (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành), PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết các bảo tàng Việt Nam đang lưu giữ lượng lớn hiện vật, di vật quý giá, phản ánh nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa dân tộc
Tuy nhiên, những hiện vật này đôi khi chưa thực sự được "sống" trọn vẹn trong đời sống đương đại. Thực tế, công chúng dù đến tham quan, thưởng lãm di sản nhưng vẫn chưa cảm nhận hết chiều sâu giá trị lịch sử của chúng

Đáp lời trăn trở đó, trưng bày Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ giới thiệu 14 di sản mang dấu ấn biểu trưng, đặc sắc của nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Giải pháp được đưa ra dựa trên điểm cốt lõi là trưng bày về lịch sử, văn hóa dân tộc nhưng có sự tương tác giữa di sản và công nghệ.
Công nghệ ở đây không đơn thuần là trình chiếu hay phóng to, thu nhỏ hình ảnh theo cách thường thấy mà xây dựng nên những câu chuyện liên quan đến hiện vật và kể lại theo lối hiện đại.
Đơn cử việc khai thác khía cạnh âm nhạc, di sản âm nhạc của nhà Lý dựa trên các hình điêu khắc vũ công trên hiện vật

Chưa kể, ứng dụng công nghệ giúp phục dựng hình ảnh trọn vẹn của những hiện vật bị hư hại. Chẳng hạn, với bức tượng đầu chim phượng bị mất mào hay đuôi, công nghệ diễn giải song song mang lại hình ảnh đầy đủ, trọn vẹn và đẹp đẽ của hiện vật đó
Hơn thế, công nghệ còn hỗ trợ diễn họa sâu hơn về ý nghĩa, vị trí của những hình tượng như chim phượng trong đời sống nghệ thuật Phật giáo, gắn kết chúng với cấu trúc công trình kiến trúc để thấy rõ bình diện nghệ thuật đặc sắc
PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh, thông qua công nghệ, chúng ta có thể hiểu một cách sâu sắc và ấn tượng hơn về những giá trị ẩn chứa trong các hiện vật vốn "câm lặng" hoặc chỉ còn là một phần của lịch sử
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Minh Trí cũng lưu ý rằng việc ứng dụng công nghệ trong các bảo tàng phải dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học công phu, kỹ lưỡng và chuẩn xác
"Ứng dụng công nghệ tại các bảo tàng là hướng đi tất yếu và cần thiết