Giáo dục

Giáo dục tuần qua có gì đặc biệt?

Trang Nhung (Tổng hợp) 18/05/2025 09:25

Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm, động viên ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô; Bộ GD-ĐT công bố nhiều điểm quan trọng tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi; Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại đấu trường quốc tế,... là các tin tức giáo dục nổi bật tuần qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong trường học

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã tới thăm, động viên ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, nói chuyện với thầy trò các Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Trung học Cơ sở Cầu Giấy.

tong-bi-thu-to-lam-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-trong-truong-hoc-1-edited-1747237158113.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Phòng thực hành giáo dục STEM của Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN).

Tại buổi nói chuyện, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục phổ thông lớn nhất cả nước. Trong những năm qua, nền giáo dục thủ đô đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường tiếp tục đi đầu theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc, đặc biệt là việc đầu tư cho giáo dục STEM - một lĩnh vực quan trọng, mang tính liên ngành, tích hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - là minh chứng cho tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm hội nhập của Hà Nội nói riêng, của ngành giáo dục nước nhà nói chung.

vnapotaltongbithutolamthamdongvienthayvatronganhgiaoducthudo8032014-1747236631269.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Phòng thực hành giáo dục STEM Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN)

Tổng Bí thư cho biết, mục tiêu của Đảng là xây dựng một nền giáo dục mới, toàn diện, ngang tầm thế giới nhưng giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam; có một thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội về thể chất, giàu bản sắc văn hóa, đủ khả năng cạnh tranh và sánh vai với các cường quốc năm châu, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Hệ thống giáo dục phải được đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện đại. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe để hình thành những cá nhân toàn diện.

Bộ GD-ĐT công bố nhiều nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Bộ GD-ĐT vừa trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Theo đó, Dự thảo Luật bao gồm 5 điểm chính: Xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học; Bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, giao quyền xác nhận về cho Nhà trường; Giải thể Hội đồng trường ở bậc mầm non và phổ thông công lập; Phân quyền mạnh hơn trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; Cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tập trung vào một số nội dung như: vấn đề phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động của Hội đồng trường của trường mầm non, trường phổ thông công lập; quy định về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…

z6607552784693_2ea453defdfa7225ec532a82b818bd58.jpg
Học sinh THPT tại Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Học sinh Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Olympic Vật lý châu Á 2025

Ngày 11/5, Bộ GD-ĐT thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý châu Á - APhO năm 2025 được tổ chức tại Saudi Arabia.

Học sinh Việt Nam tham dự đã đem về 8 huy chương, với 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.

Thành tích Huy chương Vàng thuộc về: Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Tỉnh Nghệ An; Nguyễn Công Vinh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Trương Đức Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Được biết, đoàn Việt Nam trong nhóm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có thành tích cao nhất là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Liên bang Nga, Việt Nam.

anh-toan-doi-6262-7856.jpg
Cả 8 học sinh dự Olympic Vật lý châu Á năm 2025 đều đoạt huy chương
(Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thí sinh đạt 8 điểm Toán mới được học ngành Vi mạch bán dẫn

Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quyết định về Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ. Chuẩn này áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" của Chính phủ.

Đây là cơ sở để các trường xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, báo cáo Bộ GD-ĐT trước khi tuyển sinh.

Theo đó, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn toán và có ít nhất một môn khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn. Ngoài ra, điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10.

492335498_985900317046322_6358844696584847950_n.jpg
Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn cần đạt 8 điểm Toán (Ảnh: THPT Đống Đa)

Hà Nội công bố tỷ lệ chọi thi lớp 10 các trường THPT năm 2025

Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT của các trường THPT công lập không chuyên và chuyên năm học 2025-2026.

Theo đó, năm nay Trường THPT Yên Hòa tuyển sinh 765 chỉ tiêu và có 1.869 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường. Đây cũng là trường dẫn đầu về tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay với 1/2,44 (năm ngoái tỷ lệ chọi của trường là 1/3,1).

Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông có tỷ lệ chọi cao thứ hai Hà Nội với 1/2,35; kế tiếp là Trường THPT Kim Liên 1/2,15, Trường THPT Đống Đa 1/2,10.

Các trường có tỷ lệ chọi cao tiếp theo là Trường THPT Hoài Đức C với 1/1,99; Trường THPT Cầu Giấy 1/1,96; Trường THPT Ngô Thì Nhậm 1/1,94; Trường THPT Phan Đình Phùng 1/1,93; Trường THPT Khương Hạ 1/1,93; Trường THPT Nhân Chính 1/1,89.

Năm nay, trong số khoảng 127.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, có khoảng 110.000 em có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 công lập. So với số học sinh lớp 9 của Hà Nội năm trước, năm nay giảm khoảng 6.000 học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra vào các ngày 7 và 8/6 với 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (dành cho khối không chuyên) và học sinh dự thi vào khối chuyên sẽ thi thêm môn chuyên vào ngày 9/6.

490348478_1251153080027168_6662385324464176873_n.jpg
THPT Yên Hòa dẫn đầu về tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập của Hà Nội (Ảnh: THPT Yên Hòa)

Gần 18.000 thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Năm 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thu hút gần 17.500 thí sinh tham dự, tăng khoảng 6.000 thí sinh so với năm ngoái. Thí sinh được đăng ký các môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Trong đó, môn Toán có hơn 13.000 thí sinh đăng ký dự thi, Ngữ văn hơn 11.000 lượt đăng ký, Tiếng Anh hơn 9.000 thí sinh đăng ký. Các môn còn lại dao động từ 4.000 - 5.000 thí sinh đăng ký.

Nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT. Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Kỳ thi được tổ chức tại 20 điểm thi ở Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng để thuận tiện cho thí sinh. Dự kiến kết quả thi được công bố trước ngày 15/6.

z6610451457010_c4fd33a8886917c721409023f31f2e8d.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 17/5 (Ảnh: Nguyễn Liên)

Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hơn 2.000 bài báo quốc tế năm 2024

Tại Hội nghị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025, báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2024 đã công bố 2.003 bài báo quốc tế, tăng hơn 17% so với năm 2023.

Tính riêng 6 tháng năm 2024, giảng viên, người học và các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố trên 900 kết quả nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu thư mục khoa học Scopus và Web of Science (ISI), tăng 200 công trình so với cùng kỳ năm 2023.

dhqg-hanoimyha-1747304074307.jpeg
Số bài báo công bố quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 tăng cao kỉ lục (Ảnh: VNU)

Theo báo cáo của Đại học Quốc gia Hà Nội, giai đoạn 2024 - 2025, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt nhiều kết quả.

Trong đó nổi bật là việc thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo - nơi quy tụ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ và nhóm chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Trang Nhung (Tổng hợp)