Giáo dục

Hà Nội: Nhiều trường tập trung mọi nguồn lực, ráo riết ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT

Trang Nhung - Quốc Việt 18/05/2025 07:45

Chưa đầy một tháng nữa, hơn một triệu sĩ tử trên cả nước chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Tại Hà Nội, nhiều trường THPT đang ráo riết tăng cường ôn luyện cho học sinh.

Luôn trong thế chủ động

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa năm 2025, không khí tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Xuân Thủy, Hà Nội) thêm phần khẩn trương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là một dấu mốc đặc biệt - năm đầu tiên học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Bởi vậy, không chỉ riêng giai đoạn "nước rút" này, mà ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập chu đáo để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.

Theo đó, Nhà trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như chỉ đạo các thầy cô bộ môn, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cùng Hội đồng giáo dục phổ biến cho phụ huynh, học sinh về chủ trương đổi mới của kỳ thi từ lớp 10. Có phương án chuẩn bị sớm, học sinh sẽ không bỡ ngỡ, tạo được tính chủ động xuyên suốt 3 năm học THPT.

 TS Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành
TS Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

Năm lớp 12 là giai đoạn lãnh đạo Nhà trường và giáo viên tập trung củng cố kiến thức, tăng cường rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh.

"Khi đã có nền tảng vững chắc, học sinh có thể tự tin tham gia nhiều kỳ thi khác nhau như Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia, kỳ thi sát hạch phẩm chất tư duy của Đại học Sư phạm Hà Nội, và cả kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia", TS Phạm Sỹ Cường cho biết.

Một lộ trình được Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành áp dụng là phân chia giai đoạn ôn tập cuối cấp thành 2 chặng khác nhau. Chặng 1 tập trung ôn theo kế hoạch dạy học của môn học cụ thể, bao gồm các nội dung lớp 10,11,12 theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT. Người đứng lớp là giáo viên giảng dạy các môn học của khối 12, năm học 2024-2025.

Chặng 2 dành cho học sinh có nguyện vọng ôn tập theo tổ hợp môn đăng ký thi tốt nghiệp. Thời gian triển khai trong 4 tuần, mỗi tuần học 4 buổi. Nếu thiếu tiết, GV phụ trách và GVCN chủ động dạy bù cho học sinh vào cuối tuần. GVCN có trách nhiệm điểm danh, quản lý lớp, gắn kết giữa gia đình và Nhà trường.

"Lộ trình ôn tập này giúp trường phân loại được hai đối tượng học sinh. Nhóm thứ 1 có mục tiêu riêng, kiến thức vững chắc, tự tin, chỉ cần ôn tại chặng 1 với kiến thức nền đã thi tốt. Nhóm còn lại thận trọng hơn, chọn ôn thêm tại chặng 2 để gia cố kiến thức, nâng cao kết quả", Thầy Hiệu trưởng cho biết.

z6606913592447_e7c66b10dcb889eef39f462c53728e4d.jpg
Học sinh lớp 12 Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tại Lễ Bế giảng - Lễ ra trường ngày 16/5 (Ảnh: Quốc Việt)

Năm 2025 là lần đầu các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật xuất hiện ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thông tin từ Thầy Hiệu trưởng, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chỉ có 2 học sinh lớp 12 chọn môn Tin học để thi.

"Lãnh đạo Nhà trường cùng nhóm Tin học đã thống nhất xây dựng hệ thống ôn tập trên nền tảng LMS (Hệ thống quản lý học tập), giúp các em chủ động ôn luyện, làm bài, và được giáo viên hỗ trợ từ xa. Giải pháp này vừa tạo tính linh hoạt, cơ động trong quá trình học, vừa tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả ôn tập", Thầy Cường chia sẻ với phóng viên.

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Tại Trường THPT Đống Đa (Quận Đống Đa, Hà Nội), không khí ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bước vào giai đoạn tăng tốc. Nhiều biện pháp ôn luyện hiệu quả đang được trường triển khai, với tinh thần "Hết lòng vì học sinh, không bỏ rơi học sinh nào phía sau".

z6607661645293_9e6815fc253bf503e987af7b51f850ea.jpg
Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa Trần Thị Bích Hợp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về công tác ôn thi tốt nghiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa Trần Thị Bích Hợp cho biết, ngay từ đầu năm học, trường phân loại học sinh trong 1 lớp theo danh sách đăng ký thi tốt nghiệp và không thi tốt nghiệp, từ đó đưa ra hướng dạy học và ôn tập phù hợp.

Sau đó, GVCN phối hợp với Giáo viên bộ môn rà soát năng lực học sinh qua việc học trên lớp, qua các bài kiểm tra học kỳ, thi khảo sát của Sở GD-ĐT… rồi tiếp tục phân loại học sinh theo năng lực. Đối với học sinh chưa đạt yêu cầu của từng môn, cần bổ sung kiến thức, giáo viên lập danh sách để Nhà trường tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh.

492335498_985900317046322_6358844696584847950_n.jpg
Trường THPT Đống Đa triển khai công tác ôn tập trên tinh thần: "Hết lòng vì học sinh, không bỏ rơi học sinh nào phía sau"

Theo cô Hiệu trưởng, Nhà trường phát huy tinh thần trách nhiệm của các giáo viên đối với chất lượng giáo dục môn học được phân công phụ trách. Các thầy cô cần theo sát, thường xuyên nhắc nhở học sinh ôn thi tốt nghiệp trên app HANOI ON.

"Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa năm 2025, Trường THPT Đống Đa đã chú trọng xây dựng kế hoạch ôn tập, chia lớp theo trình độ, phân công giáo viên dạy ôn tập miễn phí các môn thi tốt nghiệp cho học sinh. Các bộ phận trong trường tập trung toàn bộ cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp lớp 12 đạt kết quả cao", cô Bích Hợp nhấn mạnh.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cô Lê Thu (GVCN lớp 12D5, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành) đã tận dụng tối đa thời gian chính khóa để truyền thụ kiến thức cho học sinh, còn hướng dẫn các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu; phối hợp với phụ huynh học sinh tìm hiểu cặn kẽ về quy chế tuyển sinh các trường Đại học để đưa ra các quyết định phù hợp.

GVCN và phụ huynh thường xuyên trao đổi tình hình học tập theo hướng động viên, khích lệ; trao phần thưởng cho các học sinh tiến bộ vượt bậc. Đồng thời, chia sẻ về các câu chuyện chọn trường, chọn nghề; về chế độ dinh dưỡng, tập luyện giúp học sinh phát triển toàn diện, để vừa có kiến thức, vừa có tâm lý và thể chất khỏe mạnh.

Trang Nhung - Quốc Việt