Thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo dõi phiên thảo luận dân chủ, trách nhiệm của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều đảng viên, cán bộ Đoàn từ cơ sở đã bày tỏ sự đồng thuận cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng việc lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện nghiêm túc, để bản Hiến pháp sửa đổi mới thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đảng viên TRẦN VĂN LONG (phường Hai Bà Trưng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc):
Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển đất nước
Là một đảng viên đã nghỉ hưu, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương và những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Trước những bước chuyển mình mạnh mẽ để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Tôi đồng tình với những nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, đặc biệt là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân, sát dân hơn.
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ và các địa phương đang tổ chức triển khai lấy ý kiến của Nhân dân thông qua nền tảng định danh điện tử quốc gia VNeID (ứng dụng hoặc web). Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả hơn… Tôi kỳ vọng việc lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện nghiêm túc, để bản Hiến pháp sửa đổi mới thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
Bí thư Đoàn xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) ĐẶNG QUỐC BẢO:
Thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ
Tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc lấy ý kiến rộng rãi từ Nhân dân, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở cơ sở thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ của Đảng và Nhà nước trong lần sửa đổi này. Hiến pháp là nền tảng pháp lý cao nhất, nên mọi thay đổi đều cần xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) - đạo luật tác động trực tiếp đến bộ máy và công việc của cán bộ cơ sở. Từ thực tiễn công tác, tôi mong luật sửa đổi lần này quy định rõ ràng hơn về phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền. Cùng với đó, kỳ vọng HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp xã sẽ được quan tâm tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là nơi đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của Nhân dân.
Cán bộ trẻ như chúng tôi mong có hành lang pháp lý đủ rõ để mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ, dám chịu trách nhiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến dân vận, tuyên truyền, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai.
Bí thư Đoàn xã Định Bình (Yên Định, Thanh Hóa) NGUYỄN THỊ MINH:
Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân trong cả nước. Sửa đổi Hiến pháp lần này là một bước đi quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tôi đồng tình với chủ trương sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi, việc sáp nhập này sẽ góp phần tạo ra một khối thống nhất về tư tưởng, hành động và tổ chức, từ đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là bước đi phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện nay, các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... đều có chức năng đại diện, vận động, bảo vệ quyền lợi của một nhóm người trong xã hội nhất định. Việc sáp nhập vào Mặt trận sẽ giúp hạn chế tình trạng chồng chéo chức năng, tăng sự phối hợp đồng bộ trong triển khai các phong trào, chương trình vận động quần chúng.
Tuy nhiên, tôi đề xuất giữ nguyên tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động. Ví dụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vẫn cần có cơ chế tổ chức riêng để phát huy thế mạnh xung kích, sáng tạo của thanh niên; đồng thời, cần gia tăng quyền tự chủ cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong điều phối các tổ chức thành viên. Sau khi sáp nhập, cần xác định rõ quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong điều phối, giám sát và định hướng hoạt động của các tổ chức thành viên, bảo đảm vận hành hiệu quả và thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.