Tăng minh bạch, thống nhất trong thực thi Luật Ngân sách nhà nước
Thảo luận tại tổ chiều 17/5, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định về phân bổ chi, thẩm quyền quyết định, nguyên tắc phân cấp và tính đồng bộ giữa các luật.
Góp ý tại tổ, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc Quốc hội quyết định mức chi cụ thể cho một số lĩnh vực trọng yếu như giáo dục - đào tạo, dạy nghề. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định về mức chi cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Việc duy trì quy định về mức chi cụ thể là cần thiết để thể hiện rõ sự ưu tiên trong đầu tư ngân sách”.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng cần quy định rõ tỷ lệ chi cho hoạt động xây dựng pháp luật. Đại biểu dẫn chứng: sáng 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó nêu tỷ lệ chi không quá 0,5% và có lộ trình tăng dần. Việc không giữ thẩm quyền này của Quốc hội sẽ đi ngược tinh thần của Hiến pháp – đạo luật gốc đã xác lập rõ thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định các mức chi quan trọng.

Góp ý về tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng thuận với phương án thứ 2 trong dự thảo: quy định nguyên tắc phân chia trong luật, giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể trình Quốc hội quyết định theo từng thời kỳ ổn định ngân sách hoặc điều chỉnh khi cần thiết.

Liên quan đến nguồn thu ngân sách địa phương, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định về lệ phí môn bài. Trong khi Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân đã bãi bỏ khoản thu này từ ngày 1/1/2026, dự thảo luật vẫn giữ khoản này là nguồn thu của ngân sách địa phương. Điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn pháp lý khi triển khai, cần điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất.

Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo, song đại biểu Trần Nhật Minh cũng chỉ ra hai nhóm vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, dự thảo quy định HĐND có quyền bãi bỏ văn bản vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách, song không xác định rõ những văn bản này do cơ quan nào ban hành. Điều đó có thể dẫn đến hiểu nhầm rằng HĐND có thể bãi bỏ mọi loại văn bản trong lĩnh vực tài chính, kể cả các văn bản không thuộc thẩm quyền xử lý. Theo đại biểu, luật hiện hành đã quy định rõ: HĐND chỉ có quyền bãi bỏ văn bản trái pháp luật của UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Tuy nhiên, quy định này đã bị lược bỏ trong dự thảo mới.

Dự thảo cũng chưa đề cập đến quyền đình chỉ thi hành văn bản trái pháp luật, trong khi đây là nội dung đã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng: HĐND các cấp có thẩm quyền đình chỉ thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp; đồng thời, có quyền bãi bỏ văn bản trái luật của HĐND cấp dưới trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Thứ hai, góp ý về quy định trao quyền cho HĐND cấp tỉnh giao HĐND cấp xã ban hành chính sách, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ để tránh mâu thuẫn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền phải bảo đảm rõ ràng, nhất quán để tránh xung đột trong áp dụng pháp luật giữa các cấp chính quyền.