Chính trị

Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật

Phi Long 17/05/2025 21:11

Chiều 17/5, các ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận ở Tổ 1 về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế

Tham gia phát biểu, góp ý về dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, trong các phát biểu gần đây tại Hội nghị toàn quốc về phát triển khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chính sách hấp dẫn về quốc tịch. Đồng thời, Việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam lần này là bước đi quan trọng để “cởi trói” về mặt pháp lý, để người Việt Nam dù đang ở trong nước hay đang an cư, lạc nghiệp ở nước ngoài đều có thể chung tay góp sức, đồng tâm, hiệp lực đưa quê hương - đất nước mình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

nh1.jpeg
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Thể hiện sự nhất trí cao với nhiều nội dung đã được sửa đổi trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà tham gia góp ý về quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Khoản 3 Điều 21 của Dự thảo Luật, liên quan đến việc cho phép người xin nhập quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài. Theo đại biểu, việc thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch là bước tiến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thông lệ pháp lý của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp. Đây cũng là chính sách nhân văn, giúp duy trì mối liên hệ giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với Tổ quốc.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo hiện vẫn còn thiếu một nội dung rất quan trọng: quy định về bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch. Thực tiễn quốc tế đã ghi nhận nhiều trường hợp xung đột ngoại giao phát sinh khi một công dân mang nhiều quốc tịch gặp vấn đề pháp lý ở nước thứ ba - lúc này, có nhiều quốc gia cùng tuyên bố quyền bảo hộ, hoặc không quốc gia nào đứng ra bảo hộ vì không xác định được quốc tịch “hiệu lực” tại thời điểm đó. Pháp luật quốc tế có thừa nhận quyền của quốc gia bảo hộ công dân mang nhiều quốc tịch, nhưng cần căn cứ vào các yếu tố thực tế như nơi cư trú thường xuyên, quan hệ lợi ích, ý chí lựa chọn quốc tịch chính...

"Dự thảo cần bổ sung nguyên tắc về xác định quốc tịch hiệu lực trong trường hợp đa quốc tịch, làm cơ sở để Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo hộ công dân khi họ sinh sống, làm việc hoặc gặp rủi ro pháp lý ở nước ngoài", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

Về hạn chế quyền đối với người có nhiều quốc tịch, Trần Thị Nhị Hà tán thành nguyên tắc quy định một số quyền và nghĩa vụ chỉ dành cho người có quốc tịch duy nhất là quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Đây là thông lệ được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong bối cảnh công dân có thể mang nhiều quốc tịch. Tuy nhiên, phạm vi hạn chế được quy định trong Dự thảo hiện nay là quá rộng, cần được rà soát lại để bảo đảm tính hợp lý và khả thi.

Theo phân tích của đại biểu, việc hạn chế quyền bầu cử là không phù hợp bởi bầu cử là quyền công dân cơ bản, được Hiến pháp bảo đảm. Rất ít quốc gia trên thế giới cấm người có đa quốc tịch thực hiện quyền bầu cử nếu họ vẫn có quốc tịch và cư trú tại quốc gia đó.

Ngoài ra, việc cấm người có nhiều quốc tịch làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập là chưa thuyết phục bởi các đơn vị sự nghiệp công lập như trường đại học, viện nghiên cứu không thuộc khu vực nhạy cảm về an ninh. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã khuyến khích thu hút nhân tài, trong đó có nhà khoa học nhập quốc tịch Việt Nam – họ cần môi trường để cống hiến. Vì vậy, đại biểu kiến nghị lược bỏ quy định hạn chế quyền bầu cử và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập trong Khoản 5 Điều 5 của Dự thảo.

Quan tâm đến dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Văn Cường nhất trí với báo cáo thẩm tra với mong muốn tăng cường vai trò của địa phương trong việc tự chủ tạo ra nguồn lực của mình, không trông chờ vào ngân sách Trung ương. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội đã có Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều cơ chế, chính sách để có thêm nhiều nguồn lực phát triển. Trong Luật Thủ đô ghi rõ, sau này những luật khác ban hành nếu có điều khoản nào trái sẽ căn cứ theo Luật Thủ đô. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến bỏ khoản 7, Điều 34 của Luật Thủ đô. Khoản 7 này nêu rõ: “Ngân sách thành phố được giữ lại toàn bộ phần ngân sách Trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tập trung tạo nguồn lực ưu tiên hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải di dời quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này và hỗ trợ thực hiện các dự án trọng điểm của Thủ đô”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích, việc bỏ điều khoản này phải cân nhắc vì những đặc thù về vị trí địa chính trị của Thủ đô Hà Nội. Việc giữ lại ngân sách trên để Hà Nội đầu tư cho nhiều công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt hỗ trợ cho việc di dời các cơ quan, đơn vị theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ chế để Hà Nội tạo thêm nhiều nguồn lực phát triển.

Phi Long