Chính trị

Quy định rõ thẩm quyền và quyền khiếu nại trong Luật Quốc tịch Việt Nam

Hải Thanh 17/05/2025 20:34

Chiều 17/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật; đồng thời đề xuất làm rõ và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền và quyền khiếu nại trong Luật này.

Theo ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014) cơ bản đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề quốc tịch và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch. Tuy nhiên, trước các yêu cầu mới của thực tiễn phát triển của đất nước, để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời tiếp tục thu hút, tạo điều kiện, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực “trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam” thì việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam là cần thiết.

img_20250517_202350.jpg
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

Đại biểu cũng cho rằng, các quy định “nới lỏng” điều kiện nhập quốc tịch dự thảo Luật cũng đáp ứng được chủ trương về có "cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch" để phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong NQ 57 của Đảng.

Đặc biệt, việc mở rộng các trường hợp được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam như quy định của dự thảo Luật cùng với những chính sách mới về sử dụng đất, sở hữu nhà ở, kinh doanh bất động sản… đối với công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được quy định trong các luật được Quốc hội thông qua thời gian gần đây sẽ góp phần tiếp tục phát huy ý thức dân tộc, lòng yêu nước, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của khoảng 6 triệu người Việt Nam tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trở về xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính hệ thống của pháp luật, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung cho rằng: dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, góp ý vào khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu nhất trí với việc bổ sung, vì đã quy định rõ những đối tượng bắt buộc chỉ có một quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt có lợi cho Nhà nước. Đây là một quy định cần thiết nhằm bảo đảm an ninh chính trị, lợi ích quốc gia và khẳng định trách nhiệm của người mang quốc tịch Việt Nam. Quy định này cũng bảo đảm sự đồng bộ với các luật đã được Quốc hội ban hành gần đây. Tuy nhiên, để đảm bảo tính rõ ràng và mạch lạc của văn bản luật, đại biểu đề nghị bố cục lại đoạn này tách thành một khoản riêng và chỉnh sửa nội dung như sau: "Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Trường hợp các luật có liên quan quy định khác với quy định này thì áp dụng quy định tại Luật này."

Về việc bổ sung khoản 6 Điều 5, đại biểu nhận thấy nội dung của khoản này về việc "Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này không bị khiếu nại, khiếu kiện" chưa thực sự rõ ràng. Cụm từ "một số vấn đề liên quan" là những vấn đề cụ thể nào và phạm vi của chúng ra sao? Liệu quy định này chỉ áp dụng cho các quyết định cuối cùng về quốc tịch hay bao gồm cả các hành vi hành chính liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ?

Xuất phát từ đặc thù của vấn đề quốc tịch, thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa cá nhân và quốc gia, đồng thời khẳng định quyền tự quyết cao nhất của quốc gia (thông qua Quyết định của Chủ tịch nước), đại biểu cho rằng, các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quốc tịch không nên là đối tượng của khiếu nại, khiếu kiện thông thường. Do đó, cần quy định rõ đối tượng không bị khiếu nại, khiếu kiện là các Quyết định của Chủ tịch nước về các vấn đề liên quan đến quốc tịch. Đối với các văn bản, hành vi hành chính của các cơ quan khác trong quá trình xem xét hồ sơ (ví dụ như Sở Tư pháp, UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao), người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam vẫn cần có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn hoặc giải quyết hồ sơ không đúng quy định.

Liên quan đến việc sửa đổi Khoản 1 Điều 19 và bổ sung Khoản 2a, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung đề nghị: về mặt kỹ thuật lập pháp, do Khoản 1 Điều 19 và các khoản trong Điều 9c đều có sự sửa đổi, nên tiến hành bố cục và ký hiệu lại toàn bộ các khoản, điểm trong Điều 19 để bảo đảm tính hệ thống và tránh trùng lặp ký hiệu. Ví dụ, Điều 19 sau khi sửa đổi có thể có 7 khoản, được ký hiệu từ 1 đến 7, và trong mỗi khoản có các điểm được ký hiệu bằng chữ cái (a, b, c, d, đ...). Việc này khác với Điều 21, nơi việc bổ sung Khoản 2a là hợp lý vì khoản này không có các điểm bên trong.

Bày tỏ sự băn khoăn với cách thể hiện tại Khoản 3 Điều 19 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng: Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định rõ nguyên tắc "người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép". Quy định này giúp người có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam nắm rõ và cân nhắc trước khi quyết định. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu rằng người xin nhập quốc tịch Việt Nam mặc nhiên được giữ quốc tịch nước ngoài nếu pháp luật nước đó cho phép và Việt Nam không chứng minh được việc sử dụng quốc tịch nước ngoài gây phương hại đến lợi ích quốc gia. Điều này dường như chưa thể hiện rõ tôn chỉ "Việt Nam là đất nước mà công dân có một quốc tịch", trừ một số trường hợp đặc biệt. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản này như sau: "Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 và khoản 2a Điều này được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Chủ tịch nước cho phép."

Hải Thanh