Cụ thể thẩm quyền thành lập, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách
Góp ý tại Tổ 3 về Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận nhấn mạnh cần quy định cụ thể thẩm quyền thành lập, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo đảm minh bạch.
Cụ thể hóa khái niệm, nguyên tắc thực hiện ngân sách
Cơ bản nhất trí với các nội dung Dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu ba vấn đề cụ thể. Trước hết, về điều kiện thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước (Điều 12), đại biểu cho rằng: điểm a, khoản 2, Điều 12, dự thảo quy định “chi đầu tư phát triển phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan” – điều này có thể dẫn đến cách hiểu cứng nhắc rằng toàn bộ chi đầu tư phát triển đều phải tuân thủ Luật Đầu tư công. Trong khi đó, khoản 3, Điều 4 lại xác định chi đầu tư phát triển bao gồm cả các nhiệm vụ đầu tư theo pháp luật khác. Do đó, hai quy định trên chưa thực sự thống nhất và có thể phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.

Về nguồn thu của ngân sách trung ương (Điều 35), đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng: “Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách địa phương hưởng 100%”. Theo đại biểu, các địa phương này thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực nên cần được giữ lại toàn bộ phần thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ nguyên như Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Về tạm cấp ngân sách (Điều 50), đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp sáp nhập, chia tách các cơ quan, đơn vị, địa phương mà dự toán ngân sách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước tạm cấp ngân sách để bảo đảm hoạt động liên tục. Nội dung này được cho là cần thiết để bảo đảm sự ổn định, thông suốt trong vận hành bộ máy hành chính.

Tại tổ, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung một số khái niệm trong phần giải thích từ ngữ, như “cân đối ngân sách nhà nước”, “đơn vị dự toán cấp 2” và “đơn vị dự toán cấp 3”. Theo đại biểu, các cụm từ này xuất hiện nhiều trong dự thảo nhưng chưa được định nghĩa rõ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cấp đơn vị, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu phân tích: đơn vị dự toán cấp 1 là đơn vị được cấp có thẩm quyền giao dự toán; cấp 2 là đơn vị do cấp 1 phân bổ; cấp 3 là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay cả ba cấp đều là đơn vị sử dụng ngân sách, nếu chỉ gọi cấp 3 là “đơn vị sử dụng ngân sách” chưa chính xác. Đại biểu cũng dẫn ví dụ khoản 2 Điều 44 – quy định trách nhiệm báo cáo giữa các cấp nhưng không nói rõ là cấp nào, dẫn tới thiếu minh bạch. Từ đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung khái niệm và quy định cụ thể bảo đảm thống nhất và rõ ràng trong thực hiện.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 51), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành – theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán. Việc dự thảo sửa đổi theo hướng Chính phủ tự quyết định trước rồi mới báo cáo Quốc hội là chưa phù hợp, làm suy giảm vai trò giám sát của cơ quan lập pháp.
Xây dựng cơ chế phân cấp linh hoạt, phù hợp
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật trong bối cảnh nhiều luật khác đang được điều chỉnh và tổ chức bộ máy hành chính đang sắp xếp lại. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc phân định giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền. Đồng thời, xây dựng cơ chế phân cấp linh hoạt, phù hợp với biến động thực tế nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát tài chính vĩ mô.

Về đầu tư phát triển, đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực tế cho thấy, tiến độ giải ngân còn chậm, nhiều dự án hiệu quả chưa cao. Nếu không kiểm soát tốt đầu ra sẽ khó tránh khỏi tình trạng lãng phí ngân sách. Đại biểu cũng tán thành quan điểm không bổ sung khoản chi từ hai nguồn đối với hoạt động quy hoạch, để tránh trùng lặp trong quản lý.

Liên quan đến sự tương thích giữa Luật Ngân sách với các luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt với các luật liên quan đến chất lượng sản phẩm, công nghệ, thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia… Nhiều nội dung trong các luật này có sử dụng ngân sách nhưng lại chưa đồng bộ với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đặc biệt lưu ý: thời gian qua, Quốc hội đã đề nghị hạn chế tối đa việc thành lập các quỹ này. Tuy nhiên, nhiều luật chuyên ngành vẫn đề xuất lập quỹ để phục vụ nhiệm vụ riêng. Đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định ngay trong Luật Ngân sách về thẩm quyền thành lập quỹ, mục tiêu, tiêu chí cụ thể, trách nhiệm sử dụng, và bảo đảm công khai, minh bạch. Có như vậy mới tránh được tình trạng xung đột pháp lý giữa các luật và tăng cường hiệu lực quản lý tài chính.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục làm rõ thẩm quyền của các chủ thể trong toàn bộ quy trình ngân sách – từ lập, phân bổ, điều chỉnh đến quyết toán – nhằm bảo đảm phân định rõ ràng trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quản lý hiện đại.