Văn hóa - Thể thao

Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

H.Sen 17/05/2025 15:13

2 cuốn sách "Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” và “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông” do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành, đã được giới thiệu sáng 17/5, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh.

Cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh “Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” tập hợp hơn 300 bức ảnh bao quát lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất này, với các hình chụp, hình vẽ ký họa cảnh quan đô thị…

Tập sách còn tái hiện những tập quán trong đời sống thị thành xưa như đám cưới truyền thống, đám tang, hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua ngựa, trang phục áo dài phụ nữ, hàng quán và những món ngon của Sài Gòn xưa.

"Cuốn sách được biên soạn với mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, giữ gìn dấu xưa, làm lan tỏa giá trị di sản trong cuộc sống hiện nay. Qua đó, góp phần bổ sung vào bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu và tư liệu hình ảnh về Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, làm phong phú thêm cho di sản văn hóa Việt Nam”, nhà báo Nguyễn Hạnh (chủ biên tập sách) chia sẻ.

unnamed.jpg
Bìa 2 cuốn sách do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành

Tác phẩm “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông” được thực hiện bởi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, do nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn.

Tác phẩm tường thuật lại quá trình thành phố bước vào thời kỳ hiện đại, trên cơ sở kế thừa đô thị Gia Định xưa cổ, từ giai đoạn bắt đầu kiến tạo Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông xưa phồn thịnh và đến nay là TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm trình bày về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862 - 1945 cùng các công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tiêu biểu.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho biết anh chọn đề tài vì tò mò, muốn khám phá lịch sử sinh thành và phát triển của thành phố.

"Qua tìm hiểu quy hoạch và các kiến trúc tiêu biểu ở Sài Gòn từ trước 1945, tôi thấy ngày nay chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao, một đô thị nguy nga, được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân. Do vậy, để học hỏi lịch sử, để yêu thành phố này, chúng ta không thể để lỡ cơ hội tìm hiểu gốc tích và chân dung của những cảnh quan và kiến trúc đẹp của thành phố”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho hay.

H.Sen