Giáo dục

Gần 17.500 thí sinh bước vào kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Nguyễn Liên 17/05/2025 15:13

Sáng nay 17/5, gần 17.500 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi Đánh giá năng lực (SPT) năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. So với năm ngoái, tổng số thí sinh đăng ký tăng gần 6.000.

Trong buổi sáng 17/5, thí sinh nghe phổ biến quy chế thi và đính chính sai sót (nếu có) tại phòng thi, đến chiều sẽ thi các môn Ngữ văn và Tiếng Anh. Ngày 18/5, thí sinh thi Lịch sử, Sinh học, Địa lý, Hóa học vào buổi sáng; buổi chiều thi môn Toán, Vật lý.

Năm nay, môn Toán có gần 13.200 em đăng ký dự thi, xếp sau là môn Ngữ văn - hơn 11.900 em. Đây là hai môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, cũng là môn chính của các tổ hợp xét tuyển đại học. Sinh học vẫn là môn thi ít thí sinh lựa chọn nhất, với 845 em đăng ký.

z6610435880369_c555d69457b3394a89d3ac0260f3167b.jpg
Lịch thi Đánh giá năng lực (SPT) năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Dậy từ 4h sáng, vượt gần trăm cây số dự thi Đánh giá năng lực

Từ 4h sáng, em Vũ Thanh Hà, Trường THPT Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, Thái Bình đã cùng mẹ bắt xe bus lên Hà Nội để tham dự kỳ thi. Thanh Hà đã thuê một phòng trọ nhỏ gần sát Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiện cho việc lưu trú trong những ngày tiếp theo.

Năm nay, Hà dự định đăng ký hai nguyện vọng cao nhất vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, do đó kỳ thi Đánh giá năng lực là mục tiêu em hướng đến ngay từ đầu. Theo nữ sinh, việc ôn tập cho kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khó hơn kỳ thi khác bởi có cả phần tự luận.

z6610447823096_bbc88c79d9895708e6bbbac0be21abb6.jpg
z6610447800861_52d5ae6c1d0170072ca3bec8e47cd217.jpg
Nhiều thí sinh vượt đường xa về tham dự kỳ thi tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Liên

Giống với Thanh Hà, em Nguyễn Thị Chi, Trường THPT Tiên Du số 1, Bắc Ninh cũng dậy từ sớm để di chuyển tới Hà Nội dự thi Đánh giá năng lực. Do không thể đi ô tô, Chi được người thân đèo bằng xe máy, dự định sẽ nghỉ trưa tạm tại khu vực gần điểm thi, tới tối di chuyển về lại Bắc Ninh.

Chi cho biết em ước mơ trở thành giáo viên từ nhỏ nên đã quyết định đăng ký thi Đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường sư phạm ở ngành Sư phạm Hóa học và Sư phạm Vật lý. Ngoài kỳ thi này, nữ sinh không đăng ký thêm kỳ thi riêng nào khác.

“Em chỉ mới ôn thi từ khoảng 1 tháng trước, bởi ban đầu chỉ dự định xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng em nghĩ đây là cơ hội để em thử sức, biết được năng lực mình ở đâu, mình cần cố gắng thêm những gì nên đã quyết định đăng ký dự thi”, Chi nói.

Em Ngô Bá Nhật Phổ, Trường THPT Bắc Thăng Long, Hà Nội chia sẻ, lý do em đăng ký tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bởi kỳ thi đánh giá khá chuẩn về năng lực của học sinh. “Em muốn tham gia để thử sức và cũng giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, Nhật Phổ cho hay.

Theo nam sinh, cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều điểm khác, khó hơn so với những kỳ thi khác em từng tham dự. Việc đề thi có cả phần tự luận đòi hỏi thí sinh phải lưu ý cả về cách trình bày và có tư duy chắc chắn.

Nhật Phổ có dự định thi Đánh giá năng lực ngay từ đầu năm và đã có quá trình ôn luyện khá vất vả, kỳ công. Ngoài ôn tập theo kiến thức học trên lớp, em cũng đăng ký các khóa học online để chuẩn bị tốt nhất.

“Em dành thời gian ôn luyện cho kỳ thi này nhiều hơn tất cả kỳ thi khác. Nguyện vọng của em là trúng tuyển ngành Sư phạm Hóa hoặc Sư phạm Sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, Nhật Phổ cho hay.

z6610447795488_d4d007c79d60f4c12a878dea2ae0c05f.jpg
z6610451457010_c4fd33a8886917c721409023f31f2e8d.jpg
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi. Ảnh: Nguyễn Liên

17.439 thí sinh đăng ký dự thi, tại 7 điểm thi

Theo TS Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính - Đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025, thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển. Dự kiến từ năm 2026, kỳ thi sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Năm nay, kỳ thi có tổng số 17.439 thí sinh đăng ký dự thi, tại các điểm thi: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (7.585 thí sinh), Trường Đại học Thương mại (2.028 thí sinh), Trường Đại học Công nghiệp (2.981 thí sinh), Học viện Báo chí & Tuyên truyền (1.985 thí sinh), Trường Đại học Vinh (1.641 thí sinh), Trường Đại học Quy Nhơn (584 thí sinh), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (635 thí sinh).

Môn Toán có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 13.182 thí sinh, chiếm tỷ lệ 24%. Xếp sau đó là môn Ngữ văn với 11.914 thí sinh đăng ký, môn Tiếng Anh 9.186 thí sinh đăng ký, Vật lý 5.295 thí sinh đăng ký, Lịch sử 4.887 thí sinh đăng ký, Địa lý 4.566 thí sinh đăng ký, Hóa học 4.302 thí sinh đăng ký và môn Sinh học 845 thí sinh đăng ký. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký: 3,1 bài thi.

z6610340504214_f70540bb157348d1e52ee95f9a15772a.jpg
z6610340523031_4c0b5f21bf014e51a928fce40655c72b.jpg
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
z6610340106364_aad41e3b8c969db272fda233bf732b41.jpg
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Đại học Vinh

Nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT.

Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi.

Có 4 dạng câu hỏi. Dạng 1 là câu hỏi theo dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án (A, B, C, D), chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm, với môn Ngữ văn là 0,3 điểm.

Dạng 2 là câu hỏi theo dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý (a, b, c, d), tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Điểm tối đa của 1 câu hỏi Đúng/Sai là 1 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm. Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm. Thí sinh lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Dạng 3 là câu hỏi theo dạng thức trả lời ngắn. Thí sinh chỉ viết kết quả, không trình bày suy luận. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Dạng 4 là câu hỏi theo dạng tự luận. Thí sinh trình bày quá trình và kết quả suy luận. Đáp án và thang điểm cụ thể sẽ được công bố sau khi kỳ thi kết thúc.

TS Đinh Minh Hằng cho biết, thời gian công bố điểm thi dự kiến trước ngày 15/6. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm thi SPT cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học có công nhận, sử dụng kết quả thi qua các cách sau:

- Thí sinh tra cứu trên Cổng thông tin tuyển sinh của trường và nhận giấy chứng nhận kết quả thi SPT trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện. Sau đó, nộp giấy chứng nhận cho cơ sở giáo dục đại học có sử dụng kết quả thi SPT để xét tuyển.

- Trường cung cấp tài khoản hệ thống thông tin tuyển sinh để các trường đại học đối tác chủ động tra cứu hoặc tải bảng điểm thi SPT của thí sinh đã đăng ký dự tuyển vào mỗi trường.

- Trường gửi kết quả thi theo đề nghị của các cơ sở giáo dục đại học có sử dụng kết quả thi SPT của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học chính quy. Bản cứng có ký, đóng dấu gửi qua đường công văn.

- Trường tải dữ liệu điểm thi lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT để các cơ sở giáo dục đại học khác kết nối dữ liệu để xét tuyển.

Danh sách cơ sở giáo dục đại học công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi SPT để xét tuyển đại học chính quy (tính tới thời điểm này):

+ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

+ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

+ Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

+ Trường Đại học Quy Nhơn

+ Trường Đại học Vinh

+ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

+ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

+ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

+ Trường Đại học Y Dược Thái Bình

+ Học viện Quản lý Giáo dục

+ Học viện Phụ nữ Việt Nam

+ Học viện Dân tộc

+ Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

+ Trường Đại học Thăng Long

+ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

+ Trường Đại học Tây Bắc

+ Trường Đại học Hải Phòng

+ Trường Đại học Hạ Long

+ Trường Đại học Hoa Lư

+ Trường Đại học Hồng Đức

+ Trường Đại học Tây Nguyên

+ Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nguyễn Liên