Quốc hội và Cử tri

Chỉ xử phạt không lập biên bản với vi phạm đơn giản

M. Trang, P. Thủy, H. Ngọc ghi 17/05/2025 06:58

Biên bản có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để xác nhận hành vi vi phạm của người vi phạm và ghi nhận các tình tiết của vụ việc vi phạm, nên rất cần hạn chế áp dụng xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Đó là đề nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam): Bảo mật thông tin và giá trị của dữ liệu điện tử

h2.jpg
Ảnh: Hồ Long

Tại Điều 18a, dự thảo Luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính nên bổ sung rõ nguyên tắc pháp lý, trách nhiệm bảo mật thông tin và giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử. Lý do bởi, quy định mới của dự thảo Luật đang mang tính định hướng tích cực, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, đồng thời dự thảo luật sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý. Tuy nhiên, cần làm rõ nguyên tắc sử dụng dữ liệu số để tránh phát sinh tranh chấp về hiệu lực pháp lý của chứng cứ điện tử, trách nhiệm bảo mật và quy trình bảo đảm tính hợp lệ của việc lập biên bản, ra quyết định xử phạt.

Hiện nay, chúng ta đã áp dụng hệ thống camera giám sát giao thông nhưng người dân còn hoài nghi về việc dữ liệu bị can thiệp. Nếu không có quy định chặt chẽ, người dân có thể mất niềm tin vào hệ thống xử phạt tự động. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung: "dữ liệu điện tử sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính phải được thu thập, lưu trữ, xử lý theo đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực và có thể kiểm chứng" vào quy định tại Điều 18a của dự thảo Luật.

Điều 59 của dự thảo Luật về xác minh tình tiết của việc vi phạm hành chính đã quy định người có thẩm quyền xử phạt hoặc lập biên bản có thể xác minh tình tiết, nhưng không nêu rõ thời hạn xác minh. Điều này có thể dẫn đến kéo dài, chậm trễ.

Trong thực tiễn, nhiều vụ việc bị kéo dài hàng tháng vì “đang xác minh tình tiết”, ảnh hưởng đến quyền lợi người bị xử lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Hiện nay cũng không có cơ chế giám sát tiến độ hoặc lý do chậm trễ. Do đó, tôi đề nghị việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải trong thời hạn cụ thể về ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp cần thiết, phải có văn bản gia hạn nêu rõ lý do và có giới hạn ngày làm việc.

Việc dự thảo Luật bổ sung khoản 3 vào Điều 59 là cần thiết. Tuy nhiên để phù hợp thực tiễn và nâng cao chất lượng quản lý, tôi đề nghị, cần ràng buộc rõ người thực hiện xác minh phải thuộc quyền quản lý. Và, giao trách nhiệm toàn diện cho người có thẩm quyền (nội dung, quy trình, kết quả). Có như vậy mới làm rõ trách nhiệm pháp lý của người có thẩm quyền kể cả khi ủy quyền, phân công xác minh; bảo đảm nguyên tắc người ra quyết định xử phạt chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng “đùn đẩy” khi có sai sót trong xác minh.

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi): Hạn chế tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm

t1.jpg
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật bổ sung điểm c vào sau điểm b, khoản 4, Điều 126 như sau: “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật phương tiện theo giá thị trường, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc một trong các trường hợp sau: Tang vật vi phạm hành chính còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị hết hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định này cần cân nhắc, vì tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu tài sản bị bán nhanh chóng do thiếu điều kiện bảo quản, chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp. Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh. Giá bán của phương tiện có thể thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho người chủ sở hữu ban đầu. Điều này càng trở nên nghiêm trọng nếu phương tiện là tài sản có giá trị lớn.

Về nguyên tắc, trách nhiệm của Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu không bảo đảm thì đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng hạn chế biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để không phải lo bán tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo quản”, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Theo đó, biên bản xử phạt vi phạm hành chính là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm các tình tiết liên quan và là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Đây là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng.

Hơn nữa, biên bản cũng làm minh bạch hóa quá trình xử phạt vi phạm và tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính công bằng của pháp luật. Vì vậy, cần hạn chế tối đa việc xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản.

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên): Nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng biên bản điện tử

h3.jpg
Ảnh: Hồ Long

Tại khoản 8, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật hiện hành, theo đó, sửa đổi theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (tăng 4 lần, từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức).

Theo tôi, việc lập biên bản có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để xác nhận hành vi vi phạm của người vi phạm và ghi nhận các tình tiết của vụ việc vi phạm. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc các vấn đề về điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm yêu cầu ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính để đưa ra hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Vì vậy, đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng đối với quy định này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khoản 15, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật hiện hành theo hướng bổ sung việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua phương thức điện tử, tuy nhiên, chưa làm rõ việc đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin để nhận quyết định xử phạt bằng phương thức điện tử của cá nhân, tổ chức vi phạm là như thế nào?

Trong khi đó, nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 68 của Luật không quy định rõ tại quyết định phải thể hiện các thông tin như địa chỉ thư điện tử của cá nhân, tổ chức vi phạm, trong khi đây là yếu tố quan trọng để thực thi quy định về nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua phương thức điện tử. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ vấn đề này, thông tin về địa chỉ nhận quyết định xử phạt bản điện tử được cung cấp và thể hiện trong văn bản nào.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng biên bản điện tử trong một số lĩnh vực để đơn giản thủ tục thực hiện cho người dân, tránh phải đi lại nhiều lần và rà soát để có thể đơn giản hóa một số loại biên bản mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải lập. Đơn cử, như trong lĩnh vực giao thông, đề nghị cân nhắc đối với việc phải ra quyết định tạm giữ, quyết định trả các giấy tờ.

Ngoài ra, đối với trường hợp gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện thì tại Luật hiện hành và dự thảo Luật đều đang quy định hướng xử lý đối với trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận quyết định, việc xác nhận quyết định đã được giao... Tuy nhiên dự thảo Luật chưa quy định nội dung tương tự đối với trường hợp gửi quyết định xử phạt bằng phương thức điện tử, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để bảo đảm đầy đủ, thống nhất.

M. Trang, P. Thủy, H. Ngọc ghi