Triển khai miễn viện phí: Cần tính toán về nguồn lực, sắp xếp lại hệ thống bệnh viện
Theo Đại biểu Quốc hội, miễn học phí là một chỉ số văn minh mà cả thế giới, các quốc gia đều hướng tới, thực hiện được sẽ tạo tác động xã hội rất lớn. Tuy nhiên, để triển khai, cần có sự nghiên cứu, khảo sát thật kỹ, nhất là ở khía cạnh tác động của chính sách đó tới tình hình kinh tế - xã hội.
Đầu tháng 5 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng uỷ Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và định hướng công tác thời gian tới.
Về những định hướng trong thời gian tới, kết luận nêu rõ, trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc; nguồn nhân lực phải có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khoẻ định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Giao Đảng uỷ Bộ Y tế xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo.
Giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
Miễn viện phí - nhân văn và thiết thực
Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, miễn viện phí cho người dân là chủ trương hết sức nhân văn và thiết thực.

Ông nhìn nhận, dù thời điểm này chúng ta chưa thực hiện miễn viện phí, nhưng thống kê năm 2024, toàn quốc đã có trên 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số; trong đó phần ngân sách bỏ ra để mua bảo hiểm cho người dân tương đối lớn.
Do vậy, việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân cũng nằm trong chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay - để người dân được học hành, được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, chính sách này cũng hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn có thể khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, trước mỗi chính sách cần có sự nghiên cứu, khảo sát thật kỹ, nhất là ở khía cạnh tác động của chính sách đó tới tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần xem xét, cân đối nguồn lực cho phù hợp, bởi trên thực tế chúng ta đã và đang triển khai rất nhiều chính sách an sinh xã hội khác.
“Tôi cho rằng việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân là hoàn toàn hợp lý, quan trọng là tính toán các điều kiện để khẳng định về thời điểm triển khai. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì bên cạnh ngân sách nhà nước, chúng ta cũng phải vận động được các nguồn lực xã hội”, Đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Ông nhấn mạnh, một trong những khó khăn lớn nhất cần tính đến để thực hiện hiệu quả chủ trương này là tính toán về nguồn lực, sắp xếp lại hệ thống bệnh viện khám, chữa bệnh. Cần nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở y tế, bởi khi miễn viện phí cho tất cả người dân, chắc chắn nhu cầu khám, chữa bệnh sẽ tăng lên, kéo theo yêu cầu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cả nguồn lực tài chính để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ kỳ vọng, chủ trương miễn viện phí sẽ sớm được triển khai, bởi đây là mong muốn của mọi người dân, nhất là nhiều người cao tuổi và những người ở vùng khó khăn. Hiện nay, vẫn có một bộ phận người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế nên việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, không đủ chi phí cho việc khám chữa bệnh.
“Hiện nay, chúng ta đặt ra mục tiêu tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035, nhưng tôi hy vọng có thể triển khai được càng sớm càng tốt, trên cơ sở đã tính toán các điều kiện từ cơ sở vật chất, con người tới nguồn lực”, Đại biểu Trương Xuân Cừ cho hay.
Chỉ số văn minh, thực hiện được sẽ tạo tác động xã hội rất lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề nghị trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng cùng với miễn học phí thì miễn viện phí là một chỉ số văn minh mà cả thế giới, các quốc gia đều hướng tới. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tiễn, trong đó vấn đề kinh phí rất quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận, trong những giai đoạn lịch sử trước đây, đất nước ta đối mặt với khó khăn rất lớn từ chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai,... Khó khăn về tài chính hạn chế đi mong muốn đạt được vấn đề miễn viện phí.
Tuy nhiên gần đây, với một vị thế mới, sức tăng trưởng mới và khả năng có thể đáp ứng theo tính toán, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi ý chủ trương này, giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
“Miễn viện phí là một chỉ số văn minh. Đối với người dân, với đất nước ta, thực hiện được sẽ tạo tác động xã hội rất lớn. Người dân sẽ tiếp tục được củng cố niềm tin, sức khỏe người dân được cải thiện. Việc này cũng thể hiện khía cạnh nhân đạo, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội”, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho hay.
Ông nhấn mạnh, người dân chính là chủ thể, là mục tiêu phát triển, nên khi tác động vào người dân sẽ tạo ra nguồn lực lớn. Sắp tới, chúng ta triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong kinh tế tư nhân, ngoài vai trò của doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt thì nguồn lực trong người dân - nguồn nhân lực cũng như nguồn lực về tài chính trong dân là không nhỏ. Khi người dân có sức khỏe, tham gia được nhiều hơn vào công cuộc của xã hội cũng chính là lực lượng để tạo ra phương thức, hình thức sản xuất mới.
Theo Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, hỗ trợ được viện phí cho người dân cũng chính là cách để tác động vào khả năng huy động sức dân một cách tốt nhất. Do đó, đây là chủ trương vừa nhân đạo, vừa rất trúng và rất đúng.
Để hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí toàn dân, ông Hồi cho rằng, khó khăn đầu tiên là phải có nguồn lực, tài lực và phải chuẩn bị để hệ thống y tế thay đổi. Bởi khi người dân không đóng lệ phí khám, chữa bệnh thì tiền chi trả cho thầy thuốc và hệ thống dịch vụ y tế cũng phải khác. Bên cạnh đó, chính sách phải đồng bộ, toàn diện. Cơ chế, chính sách phải điều chỉnh mới có thể bảo đảm tư duy mới, quan điểm mới, tầm nhìn mới và biện pháp mới đi được vào cuộc sống và trở thành hiện thực. Thách thức lớn thứ ba là cần làm sao để không mất đi sự cân đối trong tài chính cho những hưởng dụng xã hội, vấn đề an sinh.
“Chúng ta phải có sự tính toán, cân nhắc, không thể chủ quan mà để xảy ra thực trạng giải quyết được vấn đề xã hội A nhưng lại tạo ra hậu quả xấu cho vấn đề xã hội B”, ông nói.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất, theo Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nằm ở vấn đề thời gian. Ai cũng mong đợi một chủ trương đúng thì nên được hiện thực hóa sớm, khả thi sớm. Đây cũng chính là thách thức đặt ra đối với hệ thống, khi chúng ta đang cùng lúc triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Công việc mà các tổ chức của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ và ngành y tế phải chuẩn bị sẽ rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhìn nhận, để sớm thực hiện được chủ trương miễn viện phí cho toàn dân, trước mắt phải cân đối lại kết dư. Nếu kết dư vướng các thủ tục hành chính thì phải nhanh chóng rà soát lại các vướng mắc, rào cản về hành chính không cần thiết. Chính sách nếu chưa thích hợp, chưa thực tiễn, vướng vào thực tiễn thì sẽ giống như rào cản, nút thắt.
Giải pháp thứ hai, về phía Chính phủ cần cân đối các nguồn lực để làm sao có nguồn kinh phí kịp thời. Cần các giải pháp đảm bảo nguồn lực về kinh phí, tài chính để duy trì chính sách trong một thời gian dài, cùng với sự phát triển của đất nước.
Với ngành y tế, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần tập trung vào quán triệt, nâng cao nhận thức và thay đổi những phương thức làm việc mới.
“Trước kia, chúng ta phân chia khu vực dịch vụ, khu vực bao cấp, bên này khám chế độ dịch vụ, bên kia khám chế độ bảo hiểm, nhưng khi triển khai chính sách miễn viện phí, người dân vào khám sẽ đông. Do đó, phải cân đối, tổ chức lại từ cơ sở vật chất đến lực lượng; bố trí hợp lý, khoa học. Chúng ta không thể chủ quan mà khâu nào cũng cần có sự tính toán, có giải pháp cụ thể để đón nhận được tình hình mới”, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi đề xuất.