Không còn bộ phận thanh tra trong ngành giáo dục, Sở chuyên môn có được xử phạt vi phạm hành chính?
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Mai Thị Anh, các Sở GD-ĐT và Sở chuyên môn, dù không còn bộ phận thanh tra, vẫn có quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra theo chức năng chuyên môn của mình.
Ngày 16/5, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP và 127/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử phạt hành chính
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành giáo dục trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, thực tiễn cho thấy nhiều quy định trong hai nghị định này không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý, trong bối cảnh ngành Giáo dục đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ.

Theo Thứ trưởng, các quy định pháp luật liên quan có sự điều chỉnh mạnh mẽ, vì vậy, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử phạt hành chính là rất cần thiết.
“Điều này nhằm đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với thực tiễn và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch và khả thi trong thực thi", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung thảo luận, góp ý vào các trọng tâm như: Xác định rõ các quy định hiện hành có bất cập, khó áp dụng trong thực tiễn và cần thay thế, gỡ bỏ; Bổ sung các hành vi vi phạm mới trong thực tiễn, các khoảng trống trong quản lý ngành cần bổ sung.
“Thực tế, các cơ sở giáo dục vẫn hay ý kiến về các vi phạm mới nhưng chưa có quy định xử lý, chế tài nên chưa xử lý được. Vì vậy, rất cần ý kiến đóng góp kỹ cần bổ sung gì để có quy định phù hợp, để công tác quản lý tốt hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục xem xét từ thực tiễn, từ đó góp ý để rà soát các hình thức xử lý vi phạm đã phù hợp hay chưa.
“Có ý kiến cho rằng trong xử phạt vẫn còn nhẹ quá, hoặc hình thức chế tài, cách khắc phục hậu quả chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nên cần phải góp ý rõ hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Thực hiện kiểm tra nội bộ
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Mai Thị Anh, bắt đầu từ ngày 1/6/2025, theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì 12 Thanh tra Bộ, trừ Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ kết thúc hoạt động.
Tại địa phương, Thanh tra Sở GD-ĐT cũng kết thúc hoạt động để sáp nhập và chuyển giao chức năng thanh tra về Thanh tra tỉnh.
Các Bộ không còn cơ quan thanh tra và các Sở sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước. Đối với các trường học sẽ không còn bộ phận thanh tra mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ.
"Nói cách khác, Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, còn chức năng thanh tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ do Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành. Điều này cũng có tác động trực tiếp đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục", Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh cho hay.

Vụ trưởng Mai Thị Anh nhận định, việc này đòi hỏi phải có sự thay đổi cách thức tổ chức thực hiện trong công tác quản trị nhà trường và quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó có phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Sở GD-ĐT và Sở chuyên môn, dù không còn bộ phận thanh tra, vẫn có quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra theo chức năng chuyên môn của mình.
Về phía đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục cần nghiêm túc nghiên cứu, kiến nghị những vướng mắc từ các nghị định hiện hành trong quá trình triển khai.
Theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù không trực tiếp phụ trách, song các Nghị định xử phạt sẽ do các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và trình Chính phủ ban hành. Trách nhiệm thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục sẽ chuyển giao cho Thanh tra Chính phủ.
Dự kiến, từ ngày 1/6, Thanh tra Chính phủ sẽ chính thức thực hiện nhiệm vụ này trong lĩnh vực giáo dục.