Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Bảo đảm thống nhất và linh hoạt thực thi

Diệp Anh 16/05/2025 20:53

Thảo luận tại tổ chiều 16/5, các ĐBQH tỉnh Nghệ An đã góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội… Các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, đồng thời tập trung kiến nghị hoàn thiện một số nội dung nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa các luật, nâng cao hiệu quả phản biện và điều hành thảo luận tại nghị trường.

Làm rõ thẩm quyền và bảo đảm sự thống nhất

Bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đồng bộ hóa với Hiến pháp và các luật hiện hành, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, ĐBQH Thái Thị An Chung cho rằng: vẫn còn những điểm cần tiếp tục hoàn thiện để tránh chồng chéo và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đại biểu, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về việc HĐND và UBND cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với định hướng tổ chức chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, có sự chưa thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang sửa đổi, bởi dự thảo hiện hành chỉ xác định việc phân cấp là từ UBND cấp tỉnh xuống cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện, xã, mà không phân cấp cho HĐND cấp xã. Nếu quy định HĐND cấp xã được ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa hai luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất.

Cũng theo đại biểu, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về việc HĐND và UBND cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với định hướng tổ chức chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, có sự chưa thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang sửa đổi, bởi dự thảo luật hiện chỉ xác định việc phân cấp là từ UBND cấp tỉnh xuống cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện, xã, mà không phân cấp cho HĐND cấp xã. Nếu quy định HĐND cấp xã được ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa hai luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất.

Đoàn
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến việc quy định UBND cấp xã được phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại khoản 4 Điều 1 dự thảo, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị làm rõ do nội dung này chưa thống nhất với Điều 13 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được Quốc hội xem xét. Trong dự thảo không đề cập đến việc UBND cấp xã được phân cấp. Nếu không quy chiếu cụ thể, khi ban hành có thể phát sinh cách hiểu và áp dụng khác nhau tại các địa phương.

Hoàn thiện cơ chế phản biện và lấy ý kiến phù hợp thực tiễn

Góp ý về phản biện xã hội và cơ chế lấy ý kiến, đại biểu Thái Thị An Chung ghi nhận dự thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 6 theo hướng giao MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các luật có liên quan, đồng thời bỏ cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội” khỏi danh sách chủ thể phản biện. Đại biểu cho rằng, đây là điều phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thời điểm thực hiện phản biện xã hội.

z6608037144540_9f041585fff8c0198500c3e5bf7132a4.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đại biểu, Điều 33 hiện hành quy định phản biện phải được thực hiện trong thời gian xây dựng dự thảo, trước khi gửi thẩm định. Cách quy định này có thể khiến nhiều nội dung phát sinh sau khi phản biện hoàn thành không được xem xét, góp ý, làm giảm hiệu quả và ý nghĩa thực chất của phản biện xã hội. Vì vậy, cần nghiên cứu lại thời điểm lấy ý kiến phản biện để phù hợp hơn với tiến trình xây dựng chính sách và pháp luật.

Đối với quy định tại Điều 30 và 33 của dự thảo luật về trách nhiệm lấy ý kiến Đoàn ĐBQH trong quá trình xây dựng luật, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: Đoàn ĐBQH là tập hợp các đại biểu, trong khi chính các ĐBQH là người trực tiếp thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp khi chính sách đã được trình chính thức. Việc yêu cầu lấy ý kiến Đoàn từ giai đoạn xây dựng ban đầu như các đối tượng chịu sự tác động sẽ tạo ra áp lực không cần thiết, không phù hợp với vai trò của Đoàn, đồng thời làm phát sinh thủ tục chưa thật sự hiệu quả. Do đó, đề nghị xem xét bỏ quy định này.

Giữ nguyên thời lượng phát biểu

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung thống nhất với việc sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ với các luật và nghị quyết đã được thông qua. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có quy định phù hợp và linh hoạt về việc báo cáo xin vắng để tạo điều kiện cho các đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh Kỳ họp thứ Chín có nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng cần tập trung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục khẳng định nguyên tắc phát huy trách nhiệm cá nhân đại biểu trong thảo luận, bảo đảm chất lượng, tính phản biện, tránh hình thức. Đồng thời, cần có cơ chế linh hoạt để đại biểu có thể đóng góp tiếng nói của cử tri ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách.

Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức
ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Đối với quy định về thời lượng phát biểu, đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất rút ngắn thời gian còn 5 phút như trong Báo cáo thẩm tra. Theo đại biểu, nên giữ nguyên quy định hiện hành là không quá 7 phút. Quy định này đã có tính linh hoạt, cho phép chủ tọa điều hành hiệu quả theo diễn biến thực tế, và nếu cần có thể đề nghị rút xuống 5 phút. Việc luật hóa cứng mức 5 phút rồi lại quy định rút ngắn tiếp sẽ khiến thời gian phát biểu quá ngắn, khó bảo đảm để đại biểu trình bày trọn vẹn các quan điểm, luận chứng và kiến nghị chính sách.

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Trần Nhật Minh đồng thuận với việc bổ sung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58, cho phép ghi rõ “không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm” trong biên bản xử phạt. Tuy nhiên, để tránh tùy tiện, cần bổ sung quy định ghi rõ lý do không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, cụm từ “kịp thời” trong khoản 5 Điều 58 là chưa đủ cụ thể. Đại biểu đề nghị quy định rõ thời gian, ví dụ từ 24 đến 72 giờ… Tại khoản 1 Điều 6, liên quan đến việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm, dự thảo chưa quy định thời hạn cụ thể. Trong khi đó, các khoản 2, 3 và Điều 68 đều quy định là 5 ngày. Vì vậy, cần bổ sung mốc thời gian cụ thể cho khoản 1 để bảo đảm tính đồng bộ.

Diệp Anh