Thời sự Quốc hội

Thông tư 29 và tác động đối với dạy thêm, học thêm

Nhật Linh 16/05/2025 20:07

Chiều 16/5, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức tọa đàm về dạy thêm, học thêm, với mong muốn có thông tin đầy đủ, chính xác cung cấp cho đại biểu Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có một số đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội; đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện cơ quan quản lý nhà nước giáo dục tại địa phương, một số cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên…

ubvh1.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng lạm dụng và tiêu cực trong giáo dục. Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, cử tri và Nhân dân đánh giá việc ban hành Thông tư 29 là bước tiến trong việc minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và giáo viên, đồng thời giảm áp lực tài chính cho phụ huynh.

Day them hoc them_Thai Van Tai1
Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài báo cáo tình hình thực hiện Thông tư 29

Tuy nhiên, Báo cáo cũng phản ánh, một số phụ huynh và giáo viên bày tỏ lo ngại rằng việc hạn chế dạy thêm, học thêm có thể ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập, đặc biệt đối với học sinh cuối cấp chuẩn bị thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp. Có tình trạng biến tướng trong việc thu phí dạy thêm, như phụ huynh tự tổ chức thu tiền dưới danh nghĩa “bồi dưỡng” cho giáo viên nhưng không được công khai, minh bạch, dẫn đến sự không đồng thuận giữa các phụ huynh trong lớp, trong khi giáo viên cũng đối mặt với áp lực lớn khi phải bảo đảm chất lượng giảng dạy và ôn tập mà không được thu phí, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân. Một số địa phương gặp khó khăn trong giám sát và thực thi quy định, đặc biệt là tại các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường.

ubvh2.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện Thông tư 29 trong hơn 3 tháng qua (Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/2/2025); thực trạng hoạt động dạy thêm và học thêm trước và sau khi ban hành Thông tư 29; những kiến nghị, đề xuất để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả.

Các đại biểu ghi nhận, Thông tin 29 đã có tác động nhất định đến hoạt động dạy thêm và học thêm, giảm cảnh học sinh và giáo viên tất bật, quay cuồng với học thêm, dạy thêm. Học sinh có thời gian tự học, tự nghiên cứu, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ các em yêu thích. Giáo viên có thời gian đầu tư nhiều hơn cho các tiết dạy chính khóa trên lớp…

ubvh3.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Hậu, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), phát biểu tại tọa đàm

Tuy nhiên, quá trình triển khai Thông tư 29 đã nảy sinh một số vấn đề. Ngoài những bất cập được Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ ra ở trên, đặc biệt còn là tình trạng “lách luật” để được duy trì hoạt động dạy thêm, học thêm: chuyển lớp học thêm từ trong trường học ra trung tâm; giáo viên dạy đổi chéo lớp cho nhau, giáo viên dạy thêm học sinh của mình… Việc chuyển dạy thêm ra trung tâm cũng khiến phụ huynh phải chi trả nhiều hơn cho việc học thêm của con em mình, trong khi cơ sở vật chất có thể chưa bảo đảm như trong nhà trường…

Khẳng định học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật và chính đáng của cả học sinh và giáo viên, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu để có cách quản lý hiệu quả. Trong đó, mấu chốt là rà soát, giảm tải chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với năng lực của học sinh; cải cách thi cử, chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất của người học chứ không tập trung vào điểm số; tăng thu nhập cho giáo viên để họ được sống đúng nghĩa với đồng lương nhà giáo; tăng cường vai trò thanh tra giáo dục độc lập, có cơ chế giám sát…

ubvh4.jpg
Tọa đàm đã cung cấp thông tin về hoạt động dạy thêm, học thêm từ nhiều góc độ khác nhau một cách khách quan, toàn diện

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa, qua ý kiến trao đổi tại tọa đàm cũng như tổng hợp ý kiến cử tri cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của ngành Giáo dục cũng như các bên liên quan, các địa phương trong triển khai Thông tư 29; từ đó tác động nhất định đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là bảo đảm chất lượng dạy học thêm tại các trung tâm.

“Các ý kiến tại tọa đàm đã cung cấp thông tin về hoạt động dạy thêm, học thêm từ nhiều góc độ khác nhau một cách khách quan, toàn diện, giúp chúng tôi có đánh giá bước đầu về hoạt động dạy thêm, học thêm, nhất là sau khi ban hành Thông tư 29. Đồng thời nhiều giải pháp cũng được đề xuất với mong muốn quản lý hiệu quả hoạt động này, hướng tới một nền giáo dục thực sự chất lượng, minh bạch, hiệu quả và công bằng”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Nhật Linh