Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong xử lý vi phạm hành chính
Chiều 16/5, thảo luận tại Tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Vĩnh Long, Long An) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, ban hành luật mới nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua.
Kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản
Thảo luận tại tổ 11, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi một số điểm. Cụ thể, liên quan đến việc điều chỉnh thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo cần bổ sung cụm từ: “Trong các trường hợp vi phạm bị che giấu tinh vi, thời điểm phát hiện vi phạm là căn cứ tính thời hiệu”.
.jpg)
Về bảo đảm quyền lợi người bị xử lý, đại biểu cho rằng, khi kéo dài thời hiệu, cần quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền về thời gian xác minh, tránh tình trạng xử phạt sau quá lâu khiến người dân, tổ chức gặp khó khăn trong việc giải trình. Đối với quy định chuyển đổi số và dữ liệu vi phạm, nên có hướng dẫn cụ thể về việc truy xuất dữ liệu vi phạm từ hệ thống số để làm căn cứ xác định thời điểm vi phạm và bắt đầu tính thời hiệu.
Liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị quy định cụ thể thời hạn tối đa tạm giữ từng loại tang vật/giấy tờ, giấy phép, chứng chỉ hành nghề: phải trả ngay khi không đủ căn cứ xử phạt hoặc quyết định xử phạt đã thi hành xong.

Về cơ chế hoàn trả, đại biểu cho rằng cần quy định trách nhiệm hoàn trả rõ ràng và trách nhiệm bồi thường nếu cơ quan có thẩm quyền gây thiệt hại. Về định giá, tiêu hủy, thanh lý, cần có hội đồng định giá độc lập đối với tang vật có giá trị lớn; công khai thông tin tiêu hủy/đấu giá tài sản tịch thu để tránh tiêu cực; có cơ chế phản biện hoặc khiếu nại từ phía người bị xử lý. Về ứng dụng công nghệ thông tin, cần quy định việc theo dõi và tra cứu tang vật bị tạm giữ qua hệ thống điện tử, tăng minh bạch và giảm thủ tục hành chính.
Liên quan đến bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị xử lý và tăng hiệu quả quản lý, đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống thông tin (bảo mật, đồng bộ, liên thông); bổ sung chế tài nếu cán bộ không áp dụng công nghệ khi có đủ điều kiện (để tránh né); Ưu tiên tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư (CCCD), giúp định danh nhanh và chính xác; Hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công số; việc bảo vệ dữ liệu cá nhân phải có cơ chế bảo vệ thông tin công dân khi xử lý vi phạm qua môi trường mạng.
Liên quan đến ứng dụng CNTT trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 18a), các ĐBQH cũng cho rằng: việc ứng dụng CNTT trong xử lý vi phạm hành chính mang lại nhiều lợi ích như tăng tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí… Tuy nhiên, để phát huy tính hiệu quả trong thời gian tới, đề nghị Cơ quan soạn thảo khi ban hành nghị định hướng dẫn luật cần quan tâm đến chất lượng nhân lực, bởi một bộ phận cán bộ, công chức chưa được đào tạo bài bản về CNTT hoặc chưa quen với việc sử dụng phần mềm, hệ thống điện tử trong công tác xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến việc sử dụng phần mềm, hệ thống còn lúng túng, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong xử lý vi phạm hành chính, bởi thời gian qua một số quy định pháp luật chưa bắt kịp với tốc độ ứng dụng công nghệ, dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng chữ ký số, xử lý vi phạm qua hình ảnh, phương tiện điện tử...
Với những đề xuất trên, nếu được tiếp thu, chỉnh sửa, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) tin tưởng khi ban hành luật cũng như các văn bản hướng dẫn luật sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa luật chuyên ngành và Luật Xử lý vi phạm hành chính, thống nhất giữa các ngành (xây dựng, nông nghiệp - môi trường,…) trong quy định mức xử phạt, hành vi vi phạm, thống nhất, rõ ràng, không gây khó khăn cho người áp dụng.
Xem xét kỹ lưỡng các quy định để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân
Về tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng: sửa đổi luật lần này là rất cấp bách, phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức danh, cơ cấu quản lý các cấp chính quyền, đặc biệt sau khi hợp nhất một số đơn vị hành chính cấp xã, phường… đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi luật để bảo đảm đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất bỏ một số quy định từ Điều 38 đến Điều 51 trong luật hiện hành. Việc này là cần thiết trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đang được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, rõ người, rõ việc, tránh chồng chéo và bất cập.

Liên quan đến thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng: Dự thảo luật bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Trưởng đoàn kiểm tra trong thời gian thực hiện nhiệm vụ là không phù hợp, cần bỏ quy định này. Bởi, thực tế hiện nay, các đoàn kiểm tra được thành lập rất đa dạng, cả về cơ cấu tổ chức lẫn thời gian làm việc. “Có đoàn chỉ gồm 2-3 người, làm việc trong một ngày, có đoàn kéo dài 1-2 tuần. Do đó, việc trao thẩm quyền xử phạt cho Trưởng đoàn sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là khi Trưởng đoàn là Trưởng phòng hoặc cán bộ không có chức năng xử phạt theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, không rõ trưởng đoàn sử dụng con dấu nào để ký quyết định xử phạt. Và sau khi đoàn kiểm tra kết thúc, việc tổ chức thi hành quyết định, giải quyết khiếu nại sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc này sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền với cơ quan thanh tra, vốn đã có đầy đủ quy trình, thủ tục và năng lực chuyên môn để xử lý vi phạm”, đại biểu nêu thực tế.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cũng đặt tình huống giả định: nếu quy định thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn sẽ không có quy định để giải quyết, chưa kể đến việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt này như thế nào, phát sinh khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt, rồi sử dụng con dấu như thế nào (nếu Trưởng đoàn là cấp Trưởng phòng), cũng như hiện nay trong bộ máy của chính quyền cấp xã đã có các phòng, như quy định trên thì trưởng phòng cũng có thẩm quyền xử phạt liệu có khả thi?
Một tình huống nữa là các Đoàn kiểm tra của các tổ chức không phải là cơ quan quản lý nhà nước như của MTTQ, đoàn thể, và các tổ chức khác, nếu cũng phát hiện có vi phạm trong quá trình kiểm tra mà vi phạm này cũng có liên quan đến nội dung, phạm vi kiểm tra thì Trưởng đoàn có xử phạt được không, trong khi các cơ quan này không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Từ thực tế đó, ĐBQH Hoàng Thị Đôi đề nghị không quy định thẩm quyền xử phạt này vào dự thảo luật.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn), tại điểm d, có quy định về những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra; và tại điểm g, là trưởng đoàn kiểm tra trong thời hạn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng các quy định này. Bởi lẽ, không phải thanh tra viên hay trưởng đoàn kiểm tra nào cũng có đủ thẩm quyền ký văn bản xử phạt hoặc đóng dấu.
“Như các đại biểu đã phân tích, việc trao thẩm quyền xử phạt cho những người này cần được xem xét một cách hết sức cẩn trọng. Nếu không có quy định rõ ràng, sẽ dễ dẫn đến việc lạm quyền hoặc thiếu căn cứ pháp lý. Vì vậy, đề nghị không nên quy định nội dung này trong luật nếu chưa thực sự rõ ràng và hợp lý”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định việc gửi quyết định xử phạt để thi hành, tại Khoản 2, Điều 70 có quy định: quyết định xử phạt được coi là đã giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt nếu thực hiện theo một trong bốn hình thức, trong đó điểm c nêu rõ: Hết thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc niêm yết công khai quyết định tại nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của tổ chức bị xử phạt. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ sự băn khoăn. “Nơi cư trú” được hiểu là ở đâu – tại nhà riêng, tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, hay nơi sinh hoạt cộng đồng? Trong nhiều trường hợp, người bị xử phạt có thể không có mặt tại địa phương trong thời gian niêm yết – có thể họ đi công tác, du lịch, chữa bệnh... thậm chí cả gia đình đi vắng. Như vậy, họ không biết việc niêm yết đó. Đặc biệt, tại các vùng miền núi, nếu quyết định được niêm yết tại trụ sở xã hay nhà văn hóa thôn thì người dân ở những bản vùng cao rất khó tiếp cận được. Việc coi như đã giao quyết định xử phạt sau 7 ngày niêm yết mà người dân không hề biết là không hợp lý và dễ gây khiếu kiện. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng quy định này để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, tránh tình trạng hiểu sai, gây khó khăn khi thi hành pháp luật.