Thời sự Quốc hội

Cần bổ sung quy định về hình thức ghi nhận, lưu trữ các quyết định xử phạt không lập biên bản

Bách Hợp - An Nhiên 16/05/2025 19:38

Chiều 16/5, thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An và Bà Rịa - Vùng Tàu) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

u1.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Làm rõ cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 18a - Ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm hành chính, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về việc xác thực dữ liệu, cơ chế kiểm tra và bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin điện tử cũng như trách nhiệm lưu trữ dữ liệu. Theo đại biểu, trong thực tiễn, các tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử rất dễ phát sinh và gây khó khăn cho việc xử lý, quy trách nhiệm cũng như bảo đảm quyền lợi của người bị xử phạt.

u2.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Nhiên

Tại Điều 37 a – Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thiết kế theo hướng ban hành danh mục chức danh kèm theo phụ lục hoặc Nghị định của Chính phủ, đồng thời quy định nguyên tắc ủy quyền rõ ràng. Việc này vừa bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành nhà nước, vừa hạn chế phải sửa luật khi có sự thay đổi bộ máy.

Đối với khoản 1 Điều 56 về xử phạt không lập biên bản, theo đại biểu, đối với các vi phạm nhỏ, xử phạt không lập biên bản là hợp lý để giảm tải hành chính. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định về hình thức ghi nhận, lưu trữ các quyết định xử phạt không lập biên bản trong cơ sở dữ liệu chung, để tạo cơ sở pháp lý đối chiếu, kiểm tra khi cần dùng.

“Điều này nhằm tránh bỏ lọt vi phạm, tránh việc xử phạt trùng lắp hoặc thiếu cơ sở kiểm soát, minh bạch trong công tác thanh kiểm tra”, đại biểu nhấn mạnh.

Đối với Điều 62 và Điều 63 về trách nhiệm chuyển giao hồ sơ vi phạm hành chính giữa cơ quan tố tụng và cơ quan hành chính, đại biểu đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn. Bởi trong thực tiễn, đây là một trong những nguyên nhân làm kéo dài quá trình xử lý, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Đối với Điều 70 về gửi quyết định xử phạt để thi hành, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về “ xác thực thành công” và “ không phản hồi” trong môi trường số. Đồng thời, có cơ chế phản hồi tích cực của người bị xử phạt để bảo đảm sự công bằng. Điều này sẽ hạn chế khiếu nại về sau liên quan đến việc không nhận được quyết định xử phạt do lỗi hệ thống hoặc khả năng tiếp cận công nghệ của người dân…

u3.jpg
ĐBQH Lã Thanh Tân ( Hải Phòng) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Nhiên

Liên quan đến Điều 24 về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đồng tình cao với việc bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên đại biểu đề nghị, bổ sung một số lĩnh vực mới, đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Tại khoản 25 Điều 1 của dự thảo quy định xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng mà không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì quy định: người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật phương tiện theo giá thị trường.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, cũng tại khoản 5 Điều 126, thì quy định: người có thẩm quyền phải tiến hành tiêu hủy đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng và môi trường trường. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần chỉnh lý cho thống nhất quy định về xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…

Cân nhắc thời gian phát biểu của đại biểu

Góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội các đại biểu tại Tổ 4 tán thành cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với các lý do như được nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

u5.jpg
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh điều hành thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Góp ý tại Điều 3 về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc yêu cầu đại biểu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo rất tiến bộ. Song, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để đại biểu dễ dàng triển khai hiệu quả.

Tại Điều 6 – Chương Quốc hội, đại biểu đề nghị cần cân nhắc làm rõ tiêu chí xác định nội dung “ưu tiên” để tránh áp đặt chủ quan và bảo đảm sự cân đối giữa các nội dung thảo luận.

u6.jpg
ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Nhiên

Tại Điều 7, Điều 8 về tài liệu và lưu trữ tài liệu kỳ họp, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định rõ hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian lưu trữ và bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt với các dữ liệu có yếu tố bảo mật cao như ghi âm, ghi hình thảo luận kín…

Tại Điều 27 về trách nhiệm giải trình và tổng hợp ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị bổ sung cơ chế kiểm soát thời hạn báo cáo tổng hợp ý kiến đến đại biểu để kịp thời cho việc nghiên cứu góp ý tiếp theo.

u7.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Nhiên

Về tại thời gian phát biểu của đại biểu tại điểm a khoản 3 Điều 18, đại biểu đề nghị cần cân nhắc tăng thời gian để đại biểu có thời gian phân tích làm rõ vấn đề…

Đồng tình cao với các đại biểu, liên quan đến việc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, việc rút ngắn thời gian phát biểu sẽ không đủ thời gian cho đại biểu trình bày hết ý kiến. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành đã có quy định rõ tuỳ diễn biến của kỳ họp, chủ trì kỳ họp có thể rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên thời gian cho đại biểu phát biểu ý kiến theo quy định hiện hành là hợp lý.

Bách Hợp - An Nhiên