Cân nhắc việc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội
Thảo luận tại Tổ 6 (gồm các đoàn Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định) về dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị nên giữ nguyên như hiện nay, bởi thời gian quá ngắn đại biểu không thể trình bày hết ý kiến.
Các ý kiến tại tổ đều tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội (Nội quy kỳ họp Quốc hội) nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật, nghị quyết có liên quan của Quốc hội mới được ban hành; bảo đảm triển khai hiệu quả, thông suốt hoạt động của Quốc hội sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Nhiều đại biểu cho rằng, nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, Hiến pháp năm 2013 và một số luật, nghị quyết có liên quan đang được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại kỳ họp thứ Chín như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh...
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát nội dung dự kiến sửa đổi của Hiến pháp, các dự thảo luật, nghị quyết có liên quan trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua để kịp thời chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 của Nội quy kỳ họp Quốc hội về thời gian phát biểu của ĐBQH tại phiên họp toàn thể của Quốc hội quy định: đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 5 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút… và căn cứ vào diễn biến phiên họp, Đoàn Chủ tịch có thẩm quyền đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu…
Góp ý về điều này, theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị giữ quy định như hiện hành. Để bảo đảm thời gian cho nhiều ĐBQH phát biểu ý kiến có thể bổ sung thêm quy định về việc chủ tọa, người điều hành phiên họp căn cứ vào diễn biến phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội xuống còn không quá 5 phút từ người phát biểu thứ 6 trở đi để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Đồng tình với các ý kiến trên, ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) bày tỏ tán thành với quy định sửa đổi để tạo điều kiện cho nhiều ĐBQH được phát biểu tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội nhưng cần cân nhắc cho phù hợp. Bởi nếu rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của ĐBQH từ 7 phút xuống còn 5 phút thì rất nhiều nội dung khó, quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau cần ý kiến của các đại biểu là chuyên gia trong ngành, lĩnh vực đó thì trong 5 phút chỉ kịp trình bày 3-4 ý, không thể diễn đạt được hết.
Tại Khoản 4, Điều 27 quy định báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn ĐBQH, Tổ ĐBQH về từng nội dung của kỳ họp Quốc hội được gửi đến ĐBQH, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 2 ngày đối với kỳ họp thường lệ và 24 giờ đối với kỳ họp không thường lệ trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về nội dung đó.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của ĐBQH tại phiên họp toàn thể của Quốc hội phải được gửi đến ĐBQH, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 3 ngày đối với kỳ họp thường lệ và 2 ngày đối với kỳ họp không thường lệ kể từ khi kết thúc phiên thảo luận về nội dung đó.
Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, nếu quy định như vậy sẽ không khả thi, rất khó cho cơ quan tổ chức thực hiện và không bảo đảm tính linh hoạt của Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn ĐBQH, Tổ ĐBQH về từng nội dung của kỳ họp QH được gửi đến ĐBQH, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra trước phiên thảo luận của Quốc hội về nội dung đó hoặc trước khi biểu quyết thông qua nội dung đó.

Ngoài ra, theo ĐBQH Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) tại khoản 4 Điều 17 quy định: Đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo, báo cáo trình bày không quá 7 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội. Đại biểu cho rằng, việc đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong 7 phút trình bày các vấn đề các ý kiến cơ bản đồng thuận thì được, chứ nếu những nội dung có 3 - 4 vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau để xin ý kiến Quốc hội là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị xem xét và cân nhắc quy định từ 7- 10 phút là phù hợp.