Thời sự Quốc hội

Cụ thể lộ trình tăng thuế để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị

Phi Long 16/05/2025 17:54

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2027 để tất cả các doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng có thời gian để chuẩn bị.

Đề nghị tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá

Tập trung góp ý một số nội dụng liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá; từ đó, góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. WHO cũng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. "Bằng chứng từ nhiều quốc gia cũng cho thấy điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng", ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

nat.jpg
ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường

Để làm rõ hơn vấn đề, đại biểu lấy ví dụ Philippines sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012 thì tỷ lệ hút thuốc lá giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD năm 2012 đã lên 2,9 tỷ USD năm 2022. Còn tại Thái Lan, từ năm 1993 đến năm 2017 tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống còn 19,1% và thu ngân sách tăng 4 lần, tức là 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD. Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một chính sách cùng thắng, tức là "win - win", thắng trong bảo vệ sức khỏe và thắng trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước. So với các nước ASEAN thì Việt Nam đang ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá là khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%..., điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á.

Vì vậy, căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị, Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá và cụ thể thì theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt ở Điều 8 trong dự thảo. Trong đó, đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung về thuốc lá điếu. Cụ thể, ở cột thuế suất phần trăm để là 75%, phải khẳng định 75% là giá bán lẻ, ở Việt Nam đưa khái niệm về giá xuất xưởng, tôi cho là không hợp lý vì Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị là 75% của nhà bán lẻ.

Ngoài ra, đại biểu cũng cung cấp thêm một số thông tin được tiếp nhận từ Bộ Y tế. Theo đó, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong con số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hằng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP. Do đó, đại biểu mong muốn Ban soạn thảo quan tâm và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đối với dự thảo luật lần này.

Tăng mức thuế suất với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tham gia góp ý để hoàn thiện dự án luật với chất lượng tốt nhất, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, về hiệu lực thi hành nên thực hiện từ ngày 1/1/2027 để tất cả các doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động ảnh hưởng có thời gian để chuẩn bị, tránh ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh mà chúng ta hiện nay đang tập trung để tháo gỡ.

Đáng chú ý, về đối tượng chịu thuế quy định trong dự thảo tại Điều 2, đại biểu đề nghị, ghi rõ hơn và bổ sung tại khoản này đối tượng chịu thuế là nội dung kinh doanh đặt cược trực tuyến và game online cũng như dịch vụ làm đẹp và thẩm mỹ.

Đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá và đưa túi nilon vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đặc biệt, cần phân tích về giá trị của mặt hàng này đem lại với những gì phải bỏ ra để xử lý. Bởi ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường của túi nilon là rất lớn. "Vì vậy, tôi đề nghị ngoài việc đưa vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì tiến tới cần ngừng sản xuất đối với mặt hàng túi nilon, có quy định lộ trình để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi sản xuất, kinh doanh", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề xuất.

pham-thi-thanh-mai.jpeg
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội trường

Đối với quy định tại Điều 3 về đối tượng không chịu thuế, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề nghị, rà soát đối với dự thảo luật các trường hợp hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu hoặc bán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu quy định rõ cụ thể bao gồm hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và bán cho khu phi thuế quan cũng như là phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của khu phi thuế quan.

Về quy định tại Điều 8, đại biểu đề nghị, đối với dịch vụ kinh doanh golf, các đại biểu đã phân tích và chúng ta đã tiếp thu đưa vào mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi tham khảo chuyên gia cho thấy nếu chúng ta chỉ quy định mức thuế suất của dịch vụ kinh doanh golf cao hơn so với mức thấp nhất của dịch vụ kinh doanh xổ số là mức 15% (trong khi mức thuế suất kinh doanh golf là 20%) thì như vậy chưa thật hợp lý. "Chúng tôi đề nghị với mặt hàng kinh doanh có thu nhập cao thì mới có thể sử dụng được, đề nghị nghiên cứu để tăng mức thuế suất cho phù hợp với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nêu quan điểm.

Đối với hoàn thuế và khấu trừ thuế quy định tại Điều 9, qua giám sát và theo dõi trên thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp được khấu trừ thuế rất thuận lợi nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn. Đại biểu đề nghị chúng ta cần phải có quy định để đảm bảo quy trình kiểm tra chứng từ hợp lệ, rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp bị kéo dài thời gian khấu trừ do sự thiếu minh bạch về quy trình. "Nếu chúng ta quy định nguyên tắc trong luật thì giao cho Chính phủ quy định rất chi tiết và bổ sung nguyên tắc khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như giao Chính phủ quy định hướng dẫn về quyết toán thuế trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề xuất.

Phi Long