Giáo dục

38 ngành đào tạo phục vụ nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Nguyễn Liên 16/05/2025 16:32

Tại Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ, Bộ GD-ĐT thông tin chi tiết về 38 ngành đào tạo trình độ đại học và 37 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Theo đó, danh sách 38 ngành đào tạo trình độ đại học có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn gồm:

z6607571393134_312046a2fb1c5b631db6a0efa2b151c9.jpg
z6607576806347_a4cfc97151c3740c5f4bfd2aeda29dee.jpg
z6607581813412_c84a561c7eb24907fe1b62ba1ec3d172.jpg

Danh sách 37 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn gồm:

z6607586145255_5690274361c2eb632b7dec3d1e4fb3f3.jpg
z6607590649834_cce7dd13f60160282e29dc2f1a158668.jpg
z6607593713110_5a3b9b5305aa72e2531221cb9af6481b.jpg

Ngoài các ngành đào tạo được nêu tại danh mục này, những ngành đào tạo được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện thí điểm hoặc bổ vào danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn phải thực hiện theo quy định tại Chuẩn chương trình đào tạo.

Người tốt nghiệp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn ở trình độ đại học được cấp bằng Cử nhân. Người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù ở trình độ bậc 6 được cấp bằng Kỹ sư (bậc 6) hoặc ở trình độ bậc 7 được cấp bằng Kỹ sư (bậc 7). Người tốt nghiệp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn ở trình độ thạc sĩ được cấp bằng Thạc sĩ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước đó, GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giáo sư Vật lý, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, tất cả công nghệ hiện nay chúng ta đang sử dụng, từ máy tính đến điện thoại thông minh, Internet of Things (IoT), AI cũng như các công nghệ số đều sử dụng những con chip bán dẫn.

Chip bán dẫn hiện trở thành thành phần không thể thiếu trong các vi mạch, các thiết bị điện tử. Với nhu cầu cao như vậy, ngành công nghiệp bán dẫn chiếm thị phần và mang lại lợi nhuận rất lớn.

Theo thống kê, năm 2000, ngành công nghiệp bán dẫn mang lại khoảng 300 tỷ USD thì đến năm 2024, dự đoán con số này lên tới trên 600 tỷ USD. Đặc biệt, đến năm 2030 dự đoán có thể đạt đến con số 1.000 tỷ USD. Thị phần to lớn mà ngành công nghiệp bán dẫn mang lại dẫn đến nhu cầu tạo ra một thị trường, bởi hệ sinh thái của ngành bán dẫn rất phát triển.

GS.TS Phan Mạnh Hưởng cho rằng, khi có sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các trang thiết bị dùng lượng chip rất nhiều (theo thống kê, cứ sau 2 năm thì số lượng chip phải tăng gấp đôi), đồng thời các tập đoàn có những sự thay đổi trong chuỗi cung ứng đã mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn đến để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn rất rộng lớn. Lao động khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo liên quan có thể làm việc trong nhiều môi trường, nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau nếu đạt được chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cơ bản và định hướng chuyên sâu của chương trình đào tạo, trong đó có các nội dung tập trung vào định hướng vi mạch bán dẫn.

Sản phẩm chính của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là chế tạo được một hệ thống điện tử trên một đế bán dẫn. Sinh viên, học viên học chuyên sâu thiết kế vi mạch có thể làm việc trong ngành thiết kế vi mạch bán dẫn hoặc trong các doanh nghiệp thiết kế các hệ thống điện tử nói chung và tương tự cho các mảng khác như chế tạo, đóng gói, kiểm thử.

Cũng theo GS.TS Chử Đức Trình, bán dẫn vi mạch là một lĩnh vực yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tài năng. Muốn học tốt ngành này, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên bao gồm Toán, Vật lý, Hóa học cũng như các kỹ năng mềm và có khả năng tiếng Anh.

Khác với một số chương trình khi nhân lực đầu ra chỉ làm trong một ngành, một nghề thì với lĩnh vực này, nhân lực đầu ra có thể làm cho nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ là bán dẫn. Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao đào tạo ở Việt Nam không chỉ làm việc ở Việt Nam mà còn có thể làm việc trong các thị trường lao động khác trên thế giới như Đài Loan, Đức, Mỹ,...

"Thời gian tới khi nhân lực vi mạch bán dẫn của chúng ta có cơ hội việc làm tốt trên toàn cầu, lúc đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp trên thế giới để tuyển dụng lao động", ông nhìn nhận.

Nguyễn Liên