Giáo dục

Thi Đại học ở Nhật Bản: “học như hơi thở”

Hồng Nhung 16/05/2025 14:14

Để có được một công việc tốt tại Nhật Bản, tấm bằng Đại học danh giá là điều kiện cần. Và để vào được Đại học, học sinh đất nước mặt trời mọc sẽ phải trải qua một quá trình học tập nghiêm túc và ôn luyện rất gắt gao, bởi “học được coi như hơi thở”.

Vào một buổi sáng của tháng Hai hàng năm, hàng trăm nghìn học sinh Nhật Bản bước vào kì thi được đánh giá là bước ngoặt cuộc đời: kỳ thi tuyển sinh Đại học. Đằng sau một vài tiếng làm bài thi là hàng nghìn giờ ôn luyện, hàng trăm cuộc thi thử và rất nhiều áp lực từ gia đình và xã hội.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-15 lúc 22.21.50
Kỳ thi tuyển sinh Đại học ở Nhật Bản cũng được đánh giá là "khốc liệt" như ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Bắt buộc chuẩn bị từ tiểu học

Giống như các quốc gia phát triển khác, Nhật Bản rất coi trọng nền tảng giáo dục. Gia đình và xã hội luôn tin rằng, việc có thể theo học Đại học, đặc biệt ở các trường Đại học danh giá hàng đầu sẽ là lợi thế lớn để con em có thể phát triển trong tương lai.

Bản thân kỳ thi Đại học đã vô cùng khắc nghiệt, nhưng vào được các trường Đại học danh giá còn khó hơn nữa. Ở Nhật Bản, điều đặc biệt là danh sách các trường Đại học học sinh có thể ứng tuyển lại phụ thuộc vào trường THPT các em theo học. Điều này đồng nghĩa nếu có nguyện vọng vào các trường Đại học này thì các em cũng phải học ở trường THPT top đầu.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-15 lúc 22.39.16
Học sinh Nhật Bản đã phải chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh Đại học từ tiểu học.

Vì trường THCS và THPT thường là liên cấp, nên thực tế cuộc đua vào Đại học ở Nhật Bản đã phải bắt đầu từ khi các em học tiểu học, để có thể thi tuyển lên cấp II vào được các trường trong top.

Học như hơi thở

Để chạy đua cho các kỳ thi này, phương pháp ôn luyện phổ biến nhất ở Nhật Bản là là qua các lò luyện thi, hay juku (trường tư thục). Những lớp học thêm này được mở sau giờ học chính và thường có lịch học trải dài cả tuần.

Theo đó, học sinh Nhật Bản hàng ngày vẫn đi học bình thường ở trường, sau đó giành phần lớn thời gian còn lại ở các lò luyện thi, một cuộc chạy đua với sách vở từ 6 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm. Với phần lớn các em, những người muốn có một vị trí trong các trường Đại học hàng đầu, việc học được coi như hơi thở, không thể thiếu được.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-15 lúc 22.36.48
Để bước vào cánh cửa Đại học, học sinh Nhật Bản phải tham gia một cuộc chạy đua với sách vở từ 6 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm mỗi ngày.

Ông Takahiro Goto, Giám đốc Trung tâm luyện thi GS Shingaku Kyoshitsu ở Tokyo chia sẻ: “Các bài học ở trường là không đủ. Các em không thể thành công trong các kỳ thi tuyển sinh nếu chỉ học trên lớp, việc trả lời được hết các câu hỏi trong đề thi là bất khả thi. Đó là lý do tại sao các trường luyện thi trở nên cần thiết”.

Để chuẩn bị cho kì thi Đại học, học sinh THPT Nhật Bản đã được học hết chương trình từ trước trong năm lớp 10 và 11, thời gian còn lại sẽ hoàn toàn dành cho việc ôn thi.

Đặc biệt, ở các trường THPT có tỷ lệ học sinh vào Đại học cao, các em đã phải làm quen với các bài thi tương tự như kỳ thi tuyển sinh Đại học ngay từ năm lớp 10. Bắt đầu học kỳ II năm lớp 11 được coi là thời gian chuẩn bị thật sự cho kỳ thi quan trọng này, với các bài thi thử và chữa bài liên tục cho tới ngày thi thật.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-15 lúc 22.18.44
Trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, học sinh Nhật Bản phải thi 3 môn, tùy thuộc vào chuyên ngành.

Trong kỳ thi, các em sẽ phải thi 3 môn, tùy thuộc vào chuyên ngành. Đối với chuyên ngành nhân văn, 3 môn gồm ngữ văn, tiếng Anh và nghiên cứu xã hội (chọn một trong các môn lịch sử Nhật Bản, lịch sử thế giới, địa lý, đạo đức hoặc kinh tế chính trị). Đối với chuyên ngành khoa học, 3 môn gồm toán, tiếng Anh và một môn khoa học (chọn một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học hoặc địa chất).

Vượt qua được kỳ thi, phía trước là thiên đường

Trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ sinh giảm đã làm ảnh hưởng tới số lượng thí sinh dự thi hàng năm tại đất nước mặt trời mọc. Các trường Đại học lớn đang gặp vấn đề về chất lượng đầu vào vì vấn đề này. Tuy nhiên dưới góc độ các thí sinh thì áp lực thi cử đã giảm đi rất nhiều do tỷ lệ chọi giảm.

Cho tới khi thi đỗ, vào được các trường Đại học uy tín, tương lai của các em sẽ được đảm bảo. Càng thi được vào các trường uy tín thì các em càng có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các công ty, tập đoàn lớn cho chi phí học tập của mình, với điều kiện khi ra trường sẽ đi làm cho công ty.

Ảnh chụp Màn hình 2025-05-15 lúc 22.39.33
Cho tới khi thi đỗ, vào được các trường Đại học uy tín, tương lai của các em sẽ được đảm bảo.

Và, mặc dù phải trải qua những áp lực rất lớn để vào được Đại học, nhưng thực tế chương trình Đại học tại Nhật lại khá nhẹ nhàng.
Thời gian học Đại học được coi như thời gian nghỉ ngơi trước khi sinh viên ra trường đi làm với những áp lực thực sự ngoài xã hội.

Hồng Nhung