Hà Nội: Học sinh lớp 12 tăng tốc "chạy đua" với kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, hơn một triệu sĩ tử trên cả nước chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Học sinh lớp 12 các trường THPT tại Hà Nội đang tăng tốc với quyết tâm cao độ, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi nhiều đổi mới này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra vào các ngày 26 và 27/6. Đây là kỳ thi có nhiều thay đổi quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến cách xét tốt nghiệp mà còn tác động đến chiến lược học tập của học sinh.
Theo quy chế thi tốt nghiệp mới, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trong đó, các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp, tạo nên sự thay đổi ở các tổ hợp xét tuyển đại học.
Khảo sát của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Hà Nội, đa số học sinh lớp 12 đã sẵn sàng tâm thế bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tuy vậy, vẫn có một số điểm mới trong quy chế, đề thi khiến các em lo lắng.
Rốt ráo "chạy đua" với các điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), em Phạm Minh Dũng (Lớp 12A6) đang gấp rút ôn tập 4 môn đã đăng ký dự thi tốt nghiệp là Toán, Vật Lý, Tiếng Anh và Hóa học. Dũng đăng ký NV1 là ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội, NV2 là Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và NV3 là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Là lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình GDPT 2018, Dũng không tránh khỏi áp lực trước kỳ thi. Điểm mới của đề thi năm 2025 là được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tăng tính thực tiễn và có các dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Các thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học và cả cấu trúc đề thi khiến công tác ôn tập trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
“Em khá lo lắng với dạng câu hỏi trắc nghiệm Đúng/Sai. Tuy đã chắc chắn với 3 đáp án đầu tiên, nhưng đến ý thứ 4 - phần khó nhất, em vẫn phải ‘căng não’ để chọn đúng đáp án. Nếu cứ khoanh bừa, rất dễ mất điểm”, Dũng cho hay.
Trước đó, Minh Dũng tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không đạt điểm như kỳ vọng. Do đó, em tập trung toàn lực vào kỳ thi chính thức, mỗi ngày dành 8 tiếng để học và chia thời gian theo từng môn để tránh quá tải. Dũng cũng đăng ký ôn tập miễn phí tại trường, luyện nhiều đề thi thử để quen với cấu trúc mới, trao đổi với thầy cô nếu có kiến thức chưa hiểu,...

(Ảnh: Quốc Việt)
Để xét tuyển đại học, em Nguyễn Huỳnh Mai Anh (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) đăng ký dự thi các môn Toán, Ngữ Văn, Địa Lý, Lịch sử. Nữ sinh chọn NV1 là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, NV2 là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Mai Anh cho biết, nhiều bạn trong lớp chọn xét tuyển bằng học bạ, nên không quá áp lực với kỳ thi sắp tới. Riêng em chỉ đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nên kết quả lần này là “chìa khóa” quyết định cơ hội vào đại học. Trước kỳ thi 2 tháng, Mai Anh khẩn trương "lên dây cót" cho lộ trình đạt số điểm mong muốn.
“Ở lớp, em tập trung nghe giảng, chiều đi học thêm, tối về nhà lại học đến 2-3 giờ sáng mới ngủ. Thời khóa biểu cứ lặp đi lặp lại như vậy. Nếu mệt, em cho phép bản thân nghỉ ngơi 1-2 tiếng, rồi lại tiếp tục học. Càng gần kỳ thi, em càng quyết tâm và hăng say học tập”, Mai Anh tâm sự.
Ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch, nên Địa lý là môn học quan trọng để Mai Anh theo đuổi đam mê. Tuy vậy, điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp năm nay là thí sinh không được mang tài liệu Atlat Địa lý Việt Nam vào phòng thi. Nữ sinh cho biết cảm thấy khá lo lắng khi nghe thông báo của Bộ GD-ĐT.
"Trước đó, Atlat như 'tấm bản đồ hỗ trợ tư duy' để tra cứu kiến thức mà không cần học thuộc chi tiết. Tuy vậy, em nhận ra đề thi năm nay bắt buộc học sinh phải học chắc, hiểu sâu, thay vì trông cậy vào Atlat. Để làm quen với quy chế mới, em bắt đầu luyện kỹ năng đọc, ghi nhớ hình ảnh bản đồ trong đầu, và ôn luyện các đề thi thử 'không Atlat'. Nhờ đó, em rèn được phản xạ tư duy độc lập, không lệ thuộc vào sách hỗ trợ”, Mai Anh cho hay.

Với tâm thế "đón đầu" kỳ thi quan trọng, em Nguyễn Phan Anh (Học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú) cho biết đã chủ động thay đổi phương pháp học tập để thích nghi. Trong đó, áp dụng phương pháp Pomodoro, học trong 25 phút và nghỉ trong 5 phút. Cách học này giúp Phan Anh tăng khả năng tập trung và giảm mệt mỏi.
"Sau khi làm các dạng đề thi, em thấy đề năm nay tập trung vào các kiến thức vận dụng thực tế. Do đó, em cố gắng làm quen với việc suy luận, tìm hiểu để đáp ứng tốt yêu cầu của đề. Em cũng cố gắng hoàn thiện kết quả học tập 3 năm THPT để tăng cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng yêu thích", Phan Anh nói.
Nâng cao năng lực tự học, tự làm chủ kiến thức
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT 2018 với phương thức thi mới, có nhiều khó khăn đối với học sinh. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Hiệu phó Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh Văn Liên Na cho biết, những khó khăn học sinh gặp phải là hoàn toàn dễ hiểu, vì chương trình GDPT 2018 yêu cầu năng lực tự học, tư duy phản biện và sáng tạo – những phẩm chất chưa được rèn luyện đầy đủ ở cấp dưới.
Việc chuyển từ học thụ động sang học chủ động đòi hỏi sự hỗ trợ từ giáo viên, phụ huynh và cả hệ thống giáo dục để học sinh thích nghi dần.
Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Dung (Giáo viên Ngữ Văn dạy THPT tại Hà Nội) cho rằng, để thích nghi với các điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh nên tăng cường kỹ năng tự học, tự làm chủ kiến thức, không nên học thêm tràn lan.
"Năng lực tự học giúp học sinh tăng cường khả năng kết nối và liên hệ kiến thức với thực tiễn, phát triển năng lực thật, từ đó dễ dàng xử lý các câu hỏi mang tính phân hóa cao trong đề thi", Cô Dung nhấn mạnh.

Để thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ tích cực trong việc giúp học sinh lớp 12 ôn tập hiệu quả, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố rà soát và điều chỉnh kế hoạch ôn tập, đảm bảo phù hợp với nội dung, thời lượng và đối tượng học sinh, sát với cấu trúc và ma trận đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT ban hành.
Các cơ sở giáo dục phân công giáo viên hướng dẫn ôn tập cho học sinh, đa dạng hóa hình thức ôn tập, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, khuyến khích học sinh tự học, tự ôn tập trên các nền tảng học tập trực tuyến.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý, động viên, tạo điều kiện cho học sinh ôn thi tốt nghiệp trong thời gian cuối năm học đến khi thi.
Đồng thời, ưu tiên bố trí thời khóa biểu các giờ ôn tập vào buổi sáng sau khi kết thúc chương trình chính khóa, phân công lãnh đạo đơn vị trực để quản lý, hỗ trợ kịp thời giáo viên và học sinh trong quá trình ôn tập.