Địa phương

Tín dụng chính sách ở Lục Yên, Yên Bái: Bài 1: Nơi nào khó khăn, nơi đó có tín dụng chính sách

Minh Uyên 16/05/2025 06:30

Đây là phương châm xuyên suốt của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung và NHCSXH Lục Yên nói riêng. Hơn 20 năm qua, từ phương châm này, đã có hàng nghìn hộ đồng bào khó khăn ở vùng núi cao Yên Bái đổi đời, cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc...

Tổng nguồn vốn tăng gấp 33 lần

Huyện miền núi Lục Yên có tới 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80% cùng 3/4 thôn bản ở vùng sâu, vùng xa. Địa bàn phức tạp với những đèo cao, rừng thẳm hiểm trở, gây nhiều khó khăn về giao thông, sản xuất cho đồng bào. Vì vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Lục Yên đã khó lại càng thêm khó.

Chia sẻ về công cuộc giảm nghèo, Bí thư Huyện ủy Lục Yên, Đinh Khắc Yên khẳng định, cuộc hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều tại địa phương đã được thực hiện bền bỉ, bài bản và đồng bộ các giải pháp trong hơn hai thập kỷ.

Luc Yen 1
Cán bộ NHCSXH Lục Yên và hội đoàn thể tại địa phương kiểm tra hộ vay sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ảnh: Đ.Dư

Trong đó, quan trọng nhất là huyện đã tập trung huy động, triển khai hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống. Cách làm này đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 7,06% cuối năm 2023 xuống 2,77% vào cuối năm 2024.

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lục Yên, trong 22 năm (2003 - 2025), hoạt động NHCSXH Lục Yên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái và Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lục Yên; sự phối hợp của các phòng ban, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cùng với sự nỗ lực của từng cán bộ tín dụng. Nhờ đó, các chỉ tiêu, kế hoạch của NHCSXH Lục Yên luôn về đích trước hẹn.

Cũng trong 22 năm qua, NHCSXH huyện Lục Yên đã tổ chức tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cấp trên và huy động từ các tổ chức cá nhân, đặc biệt từ ngân sách địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng nguồn vốn đến 30/4/2025 đạt 873.105 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 28.544 triệu đồng, tăng hơn 33 lần so với năm 2003.

Khẳng định vai trò trụ cột trong giảm nghèo

Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Đảng NHCSXH huyện Lục Yên Dương Quốc Tuấn chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với công tác tín dụng chính sách trên chính mảnh đất quê hương, ông đã thấm thía bao nhọc nhằn và nỗ lực của đồng bào cũng như cả hệ thống chính trị. Song qua đó, đã khẳng định vai trò quan trọng, trụ cột của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn.

Đến đầu tháng 5/2025, dư nợ của NHCSXH huyện đạt gần 874 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng trên địa bàn. Qua đó cho thấy, vai trò đặc biệt quan trọng của NHCSXH trong việc đầu tư phát triển kinh tế, tạo sự cân bằng giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, trong 22 năm qua, đã có hơn 30 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Kết quả cho thấy, nhiều hộ đồng bào không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Cụ thể, tính riêng từ năm 2024 đến nay, có 4.400 lượt khách hàng được vay vốn với tổng số tiền cho vay lên 246.053 triệu đồng; tập trung ở các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm…

Nguồn vốn vay được bà con đầu tư trồng mới và cải tạo 3.845ha rừng các loại; chăn nuôi 6.040 con gia súc, gia cầm; 486 mô hình vay vốn các dự án cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống, buôn bán các mặt hàng thế mạnh của huyện như đá phong thủy, làm tranh đá quý, các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao... tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động; sửa chữa và xây mới 1.382 công trình nước sạch, 1.382 công trình vệ sinh; cho vay 3 hộ gia đình có người vừa chấp hành xong án phạt tù để khôi phục, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cuộc sống trong cộng đồng.

Từ nguồn vốn ưu đãi, cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội ở miền núi cao Lục Yên đang trên đà phát triển thuận lợi; đồng bào các dân tộc ngày càng no đủ, sung túc. Nguồn vốn đã góp phần cùng huyện khai thác tiềm năng thế mạnh trong nông nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp xây dựng kế hoạch về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, chuyển các vùng sản xuất phù hợp sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…

Đến nay, Lục Yên đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100ha, vùng lạc 100ha và trên 1.000ha cây ăn quả có múi; có 3 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; toàn huyện có trên 5.000ha quế; trên 900ha tre lấy măng; 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh…

Minh Uyên