Cơ hội để chấm dứt hình sự hóa các mối quan hệ dân sự, kinh tế?
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chiều 15/5, ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho rằng, dự thảo Nghị quyết sẽ là cơ hội để chấm dứt hình sự hóa các mối quan hệ dân sự, kinh tế.
Thảo luận tại Tổ 7 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Huế và các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Kiên Giang) các đại biểu đồng tình việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội bởi kinh tế tư nhân chính là nền tảng kinh tế của tương lai, và hiện nay đang đóng góp lớn cho GDP, cho phát triển đất nước.
Từ thực tế nghiên cứu của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công cho biết, một trong những nội dung mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hay kiến nghị, đó là tình trạng hình sự hóa các mối quan hệ dân sự, kinh tế. “Có thể nói đây là một trong những cản trở rất lớn trong hoạt động kinh tế của đất nước. Những hoạt động về dân sự, kinh tế bình thường lẽ ra phải được giải quyết bằng con đường dân sự, kinh tế thì lại hình sự hoá”, đại biểu đặt vấn đề.

Trong thời gian vừa, hiện tượng sử dụng các biện pháp hình sự để xử lý những mối quan hệ trên là phổ biến. Kinh tế là phải công bằng và việc giải quyết vướng mắc đó phải thông qua con đường Tòa án, chứ không thể áp dụng biện pháp hình sự.
“Trong Nghị quyết lần này của Quốc hội đã nêu rõ, nhưng cần phải rà soát tổng thể các quy định pháp luật về hình sự, về hành chính để loại bỏ những quy định có thể lợi dụng việc này để hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế”, đại biểu nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa liên quan đến việc xử lý các vụ việc dân sự, kinh tế, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, phải ưu tiên ưu tiên việc xử lý bằng biện pháp kinh tế chứ không phải áp dụng biện pháp bắt giam, rồi tịch thu hay kê biên tài sản để làm trọng.
Vì thực tế, hiện nay tài sản của doanh nghiệp không phải của một người bởi doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán, đã cổ phần hóa thì pháp luật phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cổ đông khác, chứ không chỉ giám đốc doanh nghiệp. Vì vậy, phân biệt rõ giữa cá nhân với pháp nhân trong việc xử lý để đảm bảo xử lý cá nhân vi phạm pháp luật không đồng nghĩa với xử lý cả một pháp nhân đó.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cũng chia sẻ, cử tri cảm nhận rõ Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân sẽ định hướng cho toàn hệ thống bàn bạc sâu hơn vào khu vực này. Dẫn chứng từ thế giới, không khó để thấy kinh tế tư nhân đóng góp rất quan trọng và phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia, thậm chí với những nền kinh tế nổi bật như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì kinh tế tư nhân chiếm đến 60-70% GDP và tạo ra phần lớn công ăn việc làm cho xã hội. Chưa kể kinh tế tư nhân còn tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra cuộc cách mạng đột phá trong công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Xu hướng nổi bật đối với khu vực kinh tế tư nhân mà chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó chính là vấn đề toàn cầu hóa, số hóa, tăng trưởng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo nên các tập đoàn lớn, tên tuổi lớn cho mỗi quốc gia. Ví dụ như Mỹ thì có Apple, Amazon…, châu Á có Alibaba, Samsung… chính là những điển hình kinh tế tư nhân phát triển rất bền vững và uyển chuyển.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, doanh nghiệp phải được tạo điều kiện tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, công nghệ, thuế… hay các vấn đề quy định về bảo đảm về quyền tài sản và trí tuệ. "Nếu coi Nghị quyết là bước đột phá trong xây dựng pháp luật thì mong rằng ở lần đột phá này, hàng loạt đạo luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều chồng chéo và gây khó khăn cho kinh tế tư nhân có thể được điều chỉnh", đại biểu nhấn mạnh.