Thời sự Quốc hội

Tháo gỡ "rào cản" để kinh tế tư nhân phát triển

Diệp Anh 15/05/2025 19:54

Tại phiên thảo luận tổ chiều 15/5, nhiều đại biểu tại Tổ 3 (gồn Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận) đồng tình với chủ trương xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển kinh tế tư nhân. Một số ý kiến đề nghị mở rộng chính sách, bảo đảm công bằng cho đội ngũ công chức tham mưu trực tiếp cho hoạt động lập pháp tại địa phương.

Chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững

Theo đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng (Hải Dương), dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 68 của Trung ương, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Thời gian qua, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của đất nước, từ nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, đến giải quyết nhiều vấn đề tại cả địa phương và Trung ương. Theo đại biểu, 5 nhóm chính sách lớn được đề xuất trong dự thảo đều đúng và trúng với các vướng mắc đang đặt ra.

z6604667827441_cb8557406bbe670e21b1c7d91b329562.jpg
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng (Hải Dương) phát biểu

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; đồng thời, xóa bỏ định kiến giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân”, đại biểu nhấn mạnh.

Tán thành với sự cần thiết và tính kịp thời của việc ban hành Nghị quyết, đại biểu Triệu Thế Hùng đánh giá: với 7 chương, 17 điều, dự thảo đã bao quát những nội dung cốt lõi, phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý khi Nghị quyết được ban hành và triển khai trong thực tiễn, cần rà soát toàn diện, đồng bộ hệ thống pháp luật hiện hành. “Với phạm vi điều chỉnh rộng, chúng tôi thấy có hàng trăm luật liên quan cần được xem xét để bảo đảm tính thống nhất”, đại biểu nêu.

z6604667856103_e0cc86128e3ea62b4ebd413faf8803f9.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3

Do đó, đại biểu đề nghị đặt ra yêu cầu rà soát đồng bộ hệ thống luật, đồng thời thiết kế các quy định chặt chẽ, cơ chế cụ thể để xử lý các vướng mắc đang tồn tại, bảo đảm tổ chức thực hiện thuận lợi, thông suốt. Đặc biệt, cần quy định rõ nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh tình trạng chồng chéo tại địa phương.

Đánh giá cao định hướng mới trong dự thảo, ưu tiên áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự trong một số trường hợp phù hợp, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng đây là điểm rất đáng ghi nhận. Thực hiện hiệu quả, sẽ tạo ra sự ổn định và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào môi trường pháp lý.

z6604667842075_b201c8ba71df211e188741a632feeef0.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Điều 5 của dự thảo đã đề cập đến việc phân định trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự… Đây là nội dung quan trọng, cần thể hiện rõ để bảo đảm áp dụng thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong thực thi pháp luật.

Việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế là nguyên tắc đã được quán triệt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần điều chỉnh các luật có liên quan để cơ quan thực thi có căn cứ pháp lý rõ ràng. Đồng tình với việc cần ưu tiên giải pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay vì xử lý hình sự, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị xác lập rõ nguyên tắc không hồi tố các quy định bất lợi đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. “Đây là điểm tiến bộ trong chính sách lần này, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân”, đại biểu lưu ý.

z6604667857773_5542d96e87c3be3fab9aa86dd5e40a60.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu

Về các chính sách đất đai và đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu cho rằng, cần tiếp cận toàn diện, không chỉ phục vụ khu vực công mà cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Việc dự báo và tổ chức đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển của từng địa phương, từng vùng. “Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước cần song hành, là hai trụ cột cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước”, đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

z6604667864540_92988548f9f013bee88f5b9196973858.jpg
Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) cho rằng, Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân bằng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, trong các nghị quyết hiện nay, chính sách dành cho hai nhóm doanh nghiệp – doanh nghiệp nhỏ, cá thể và doanh nghiệp lớn – vẫn chưa rõ ràng… Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần có cách tiếp cận, ưu đãi phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và cá thể; đồng thời, xây dựng chính sách đặc biệt cho doanh nghiệp lớn để bảo vệ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển bền vững, đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế.

Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, đúng pháp luật. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ pháp lý như có luật sư, cán bộ pháp luật, lực lượng bảo vệ pháp lý - để yên tâm sản xuất kinh doanh. Đại biểu cũng lưu ý, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về sự thay đổi của chính sách, chưa có đủ niềm tin để cống hiến lâu dài. Vì vậy, cần có các quy định mang tính cam kết để doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Hoàn thiện chính sách với đội ngũ tham mưu hoạt động lập pháp tại địa phương

Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu cho ĐBQH và Đoàn ĐBQH tại địa phương. Theo đại biểu, lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho đại biểu Quốc hội, đại biểu chuyên trách và Đoàn ĐBQH trong quá trình lập pháp, giám sát và kiến nghị pháp luật. Tuy nhiên, hiện dự thảo mới chỉ áp dụng với công chức Trung ương tại các vụ của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc.

z6604667873720_4a82ee3036a9a48e628427be4ba02937.jpg
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu

Do đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để bảo đảm công bằng, tương xứng với đóng góp thực tế, tránh phân biệt giữa Trung ương và địa phương. Về chính sách đãi ngộ, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng để không tạo ra khoảng cách quá lớn giữa các công chức trong cùng cơ quan, nhất là trong bối cảnh cả nước đang triển khai cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, giảm dần phụ cấp đặc thù.

z6604667827727_6916063e13877e55c8eeb8df371eaa1a.jpg
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu
z6604667835215_e83d6b86e4b39bc3346e02d74a21cc45.jpg
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng đề nghị bổ sung công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh – lực lượng trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm – vào nhóm đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ tại khoản 1, Điều 7 của dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho biết, lực lượng này làm việc thường xuyên, trực tiếp nhưng chưa thuộc nhóm được quy định trong các văn bản hiện hành. Vì vậy, cần bổ sung rõ vào Mục 6, Phụ lục I của dự thảo Nghị quyết.

Diệp Anh