ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa): Cần rà soát, bổ sung các đối tượng thụ hưởng chính sách
Đó là đề xuất của ĐBQH Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) khi góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật (Dự thảo nghị quyết) tại thảo luận tổ, chiều 15/5.

Tại Tổ thảo luận, ĐBQH Lại Thế Nguyên khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là yêu cầu tại Nghị quyết số 27- NQ/TW, Kết luận số 119-KL/TW và đặc biệt là kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành. Trong đó, xác định rõ công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỳ nguyên mới; “Đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này”.
Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết cũng là để triển khai thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Đây là văn bản được nhiều người quan tâm, nhất là những người hoạt động trong các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Lại Thế Nguyên cho rằng, nội dung của nghị quyết đang điều chỉnh 2 vấn đề lớn: một là cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính đối với hoạt động xây dựng pháp luật; hai là cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính để hỗ trợ một số nhiệm vụ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật liên quan trực tiếp đến xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo đang chủ yếu quy định chính sách về cơ chế áp dụng đối với người tham gia xây dựng pháp luật mà chưa rõ đối với người tổ chức thi hành pháp luật. Đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị, cần nghiên cứu, làm rõ việc hỗ trợ đối với người tổ chức thi hành pháp luật có liên quan trực tiếp đến thi hành luật để thuận tiện trong quá trình thi hành chính sách.
Theo ĐBQH Lại Thế Nguyên, dự thảo nghị quyết quy định hoạt động tổ chức thi hành pháp luật phải hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật mới được hưởng chính sách là chưa thỏa đáng. Bởi, nếu quy định như vậy thì những trường hợp nào được xác định là hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật? Trong thực tiễn, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật ở các ngành lĩnh vực đều có thể tác động và hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật. Bản thân người tổ chức thi hành pháp luật mới là người phát hiện rõ nhất những bất cập, chưa hợp lý, những yêu cầu cấp bách để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật chứ không thể phân biệt hoạt động nào mới là hoạt động hỗ trợ trực tiếp.
“Chính hoạt động thi hành pháp luật mới có sự tác động trực tiếp đến xây dựng pháp luật. Tôi đề nghị hoạt động tổ chức thi hành pháp luật nên được hưởng chính sách này”, đại biểu Lại Thế Nguyên nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng ở địa phương tham gia hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, thực chất, ở các địa phương, mỗi năm có thể ban hành hàng ngàn văn bản nhưng văn bản quy phạm pháp luật thì không nhiều. Trong khi đó, theo Dự thảo Nghị quyết thì đối tượng được hưởng chính sách của các địa phương rất hạn hẹp, ví dụ: Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhưng chỉ đại biểu chuyên trách; Sở Tư pháp thì chỉ Phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực. "Phạm vi đối tượng áp dụng chính sách này là chưa đầy đủ", đại biểu nhấn mạnh và cho biết, thực tế, ở các sở, ngành đều có cán bộ pháp chế và dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực nào thì cán bộ của ngành, lĩnh vực đó dự thảo. Vây tại sao những đối tượng này lại không nằm trong diện được hưởng chính sách?
Cũng theo đại biểu Lại Thế Nguyên, nếu như không có cán bộ ở các ngành dự thảo thì không thể có văn bản để trình HĐND; không phải văn bản nào cũng giao Sở Tư pháp dự thảo mà có khi Sở Tư pháp chỉ tham gia công đoạn thẩm tra. Văn phòng UBND tỉnh cũng có một bộ phận cán bộ, chuyên viên trực tiếp tham gia vào quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thì những đối tượng này có được hưởng chính sách không? Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng tham gia hoạt động này thì có được hưởng không? Ngay như hoạt động của HĐND tỉnh thì cũng như hoạt động của Quốc hội. Liên quan đến lĩnh vực kinh tế thì Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ chủ trì xây dựng các văn bản; liên quan đến lĩnh vực Văn hóa - Xã hội thì Ban Văn hóa - xã hội chủ trì, nhưng Dự thảo Nghị quyết lại chỉ quy định đối tượng Ban Pháp chế được thụ hưởng chính sách. "Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng này ở cấp tỉnh, hoặc giao cho HĐND tỉnh quy định các đối tượng để bảo đảm đầy đủ, công bằng, phù hợp với thực tế”, đại biểu Nguyên đề nghị.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu kỹ hơn, để quy định đối tượng thụ hưởng chính sách đúng trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải (một số đối tượng nêu trong phụ lục hiện chưa rõ). Đặc biệt, nên bổ sung cán bộ, công chức thuộc Phòng công tác Quốc hội của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố được hưởng chính sách vì đây là những người trực tiếp hỗ trợ ĐBQH trong quá trình tham gia góp ý xây dựng luật, thực hiện các hoạt động giám sát tổ chức thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết có quy định giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định “các đối tượng khác” được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng…”. Như vậy, hiện nay ở các khối như khối Đảng, MTTQ, khối các cơ quan do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách thì rất rõ, khối các cơ quan của Chính phủ và địa phương thì Chính phủ sẽ có quy định cụ thể đối với các địa phương. Tuy nhiên, khối Văn phòng Chủ tịch Nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát thì do ai quy định? Đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm nội dung này.
Đặc biệt, trong khâu tổ chức thực hiện, theo các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nghị quyết này có hiệu lực ngay trong tháng 7, sau khi Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, đây là một nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt nên nguồn kinh phí để triển khai cho các đối tượng này như thế nào? Trong Tờ trình và giải trình của Chính phủ chưa rõ kinh phí này là bao nhiêu và có được triển khai như thế nào. Cần làm rõ hơn nguồn kinh phí để bảo đảm việc thực hiện chính sách này đạt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.