Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần có biện pháp thu hồi khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Thanh Hoá) đã tham gia một số ý kiến về quy định bảo hiểm thất nghiệp và chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Cần có biện pháp thu hồi nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về điều kiện hưởng thất nghiệp tại khoản 2 Điều 40. Theo đó, tại khoản 2 Điều 40 quy định đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm hoặc chấm dứt việc làm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, thực tế tại một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương của lao động hàng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Trong khi đó, trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động", đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.
Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động, đại biểu Võ Mạnh Sơn đã đề nghị cần xem xét, bổ sung khoản 2 Điều 40 như sau: Người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm hoặc chấm dứt việc làm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý, xử lý hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ để đòi lại khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động.
Tạo điều kiện để nguồn vốn hỗ trợ duy trì mở rộng việc làm dễ tiếp cận
Bày tỏ băn khoăn về khoản 4 Điều 21 của Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản phải đăng ký giao dịch dân sự khác, theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 được kế thừa từ Luật Việc làm hiện hành đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua và không phát sinh vướng mắc, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, thực tế đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi rất khó để tự mình đưa ra những phương án sử dụng vốn vay để tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm để tránh tình trạng hợp thức hóa phương án sử dụng vốn vay.
Theo đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn đã đề nghị cần rà soát quy định người lao động tại điểm b khoản 1 Điều 9 với quy định tại điểm 3 khoản a Điều 4 Điều 9 và cân nhắc việc người lao động đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đủ trách nhiệm dân sự để có thể tiếp cận, thực hiện quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm.

Bên cạnh đó, do hiện nay đã có văn bản dưới luật quy định việc xử lý đối với trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào tình huống bất khả kháng, dẫn đến không có khả năng hoàn trả vốn vay, quyết định số 50 ngày 28/7/2010 và sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 08 năm 2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, căn cứ pháp lý và quyết định nội dung quy định đối tượng chưa phù hợp với dự thảo Luật Việc làm, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đại biểu Võ Mạnh Sơn đã đề nghị cần xem xét, bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào tình huống bất khả kháng dẫn đến không có khả năng hoàn trả vốn vay.
Cùng với đó, cho ý kiến về chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động là thanh niên, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng là dân quân tự vệ tại địa phương, thanh niên hoàn thành chấp hành án phạt tù. “Ngoài ra, Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp, tinh gọn bộ máy để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội hiện nay”, đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.