Ý kiến đại biểu

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh): Tạo không gian tài chính đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo

V.A 15/05/2025 16:12

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, chiều nay, 15/5, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo tại khoản 1, Điều 10 để tạo không gian tài chính đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo đại biểu Nguyễn Như So, dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo là quá ngắn so với chu kỳ phát triển kinh tế của doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Điều này cũng chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cho doanh nghiệp tích lũy nguồn lực đầu tư, nghiên cứu và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bởi đặc thù của các doanh nghiệp này phải đầu tư lớn, kéo dài cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ cốt lõi, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Đồng thời, phải liên tục điều chỉnh thích nghi với biến động của thị trường trong suốt quá trình, chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao, kéo dài thậm chí không có lãi trong 5-7 năm đầu tiên. “Vì vậy chính sách thuế cần thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành và tích lũy nội lực ban đầu thay vì hỗ trợ ngắn hạn. Việc kéo dài thời gian miễn thuế,miễn giảm thuế sẽ tạo ra dư địa tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo”, ĐBQH Nguyễn Như So kiến nghị.

so.jpg
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: A.V

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tác đối với các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 3, Điều 10, bởi đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ khoa học và đưa sản phẩm ra thị trường.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực này như Thái Lan đã miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư, chuyên gia làm việc trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo. ĐBQH Nguyễn Như So cho rằng nếu chúng ta không có chính sách đủ thu hút, cạnh tranh sẽ bỏ lỡ nhân tài và khó tạo được bước tiến công nghệ dài hạn.

Tại Chương 5, Dự thảo Nghị quyết quy định về hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, đại biểu đề xuất bổ sung điều khoản hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đồng thời rút ngắn thời gian xử lý, đơn giản hóa thủ tục liên quan đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Theo đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để đăng ký sở hữu trí tuệ đúng, chuẩn với thời điểm dẫn đến nhiều trường hợp đã mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền hoặc không thể gọi vốn được do thiếu chứng nhận về sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đại biểu cũng dẫn chứng thực tế như Singapore, Hàn Quốc đều có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng nhận về sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến khoản 2, Điều 12 về cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn đào tạo,.. cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, ĐBQH Nguyễn Như So cho rằng các quy định chưa rõ ràng về phạm vi, tiêu chí, mức độ hỗ trợ,…dẫn đến tình trạng dàn trải, khó quản lý, kém hiệu quả trong triển khai. Ngoài ra chưa xác định được cơ quan chủ trì phương thức cung ứng dịch vụ trực tiếp hay trực tuyến, hay thông qua một tổ chức trung gian cũng như cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Chính vì vậy, đại biểu đề xuất cần làm rõ phạm vi hỗ trợ, đối tượng ưu tiên, thiết kế chương mẫu có tính thực tiễn đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Điều 16 về tổ chức thực hiện, đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung về thiết lập cơ chế đại diện và cơ chế tham vấn chính sách có hiệu lực, hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Theo đại biểu, doanh nghiệp đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân cần được công nhận là đối tác chính thức cho quá trình xây dựng, hoạch định các chính sách kinh tế liên quan. Việc tham vấn doanh nghiệp hiện nay còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và ít phản hồi vì vậy cần thực sự lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, có quy trình cụ thể và nghĩa vụ phản hồi rõ ràng từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả cần được báo cáo định kỳ tới Chính phủ, Quốc hội nhằm tăng tính minh bạch, trách nhiệm.

V.A