Giao thông

Việt Nam đồng hành cùng thế giới vì giao thông an toàn

Xuân Việt 15/05/2025 13:28

Hưởng ứng Tuần lễ An toàn Đường bộ Toàn cầu lần thứ 8 năm 2025 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động (từ ngày 12–18/5/2025), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và bền vững.

atgtduongb1.png
Một pano tuyên truyền về hành vi có nguy cơ TNGT cao hoặc có thể gây hậu quả lớn sẽ góp phần nâng cao ATGT

Ủy Ban ATGT Quốc gia đánh giá cao tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực an toàn đường bộ; việc xây dựng một số tài liệu tuyên truyền, thông điệp tuyên truyền ATGT trên toàn quốc, nhân Tuần lễ An toàn Đường bộ Toàn cầu lần thứ 8 năm 2025. Trong đó, nhấn mạnh việc quản lý các hành vi có nguy cơ cao như: nghiêm cấm sử dụng ma túy, rượu bia khi lái xe, tuân thủ tốc độ và khuyến cáo nên đi chậm hơn, đội mũ bảo hiểm trên mô tô xe máy, thắt dây an toàn trên ô tô. Đặc biệt, từ 1/1/2026 sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, không sử dụng điện thoại khi lái xe. Những thông điệp truyền thông về các hành vi này có thể chia sẻ, tuyên truyền trên toàn quốc.

350165_img_3387.jpg
Công an tỉnh Yên Bái tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe đạp và đi bộ mà WHO khuyến cáo. Theo đó, xe đạp và đi bộ là hai phương thức đi lại rất xanh và bền vững, bên cạnh việc không ảnh hưởng tới môi trường, xe đạp và đi bộ còn rất tốt cho sức khỏe cộng đồng, trong đó đi bộ là một trong những nhu cầu đi lại cơ bản của phần lớn người dân: người cao tuổi đi thể dục giải trí, người trong độ tuổi lao động đi làm, thể thao, giải trí; trẻ em tới trường...; chi phí đi bộ và xe đạp rất thấp nên góp phần cải thiện thu nhập giúp giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, nâng cao an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, xe đạp và đi bộ cũng giúp kết nối và mở rộng vùng phục vụ của vận tải công cộng, giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm và tai nạn giao thông, bởi vậy phát triển và bảo đảm ATGT cho xe đạp và đi bộ giải pháp có tầm chiến lược, có hiệu quả thiết thực chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ATGT trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, các chuyến đi bộ và xe đạp đang chiếm tỷ trọng khá thấp (<1%), trong khi nhiều quốc gia phát triển tỷ lệ này lên tới 10 - 20%. Đây chính là các giải pháp mà Ủy ban ATGT Quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương thúc đẩy trong thời gian tới.

image-1-.png
Xe đạp là phương thức đi lại xanh và bền vững

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: Dù cao điểm truyền thông diễn ra trong Tuần lễ từ 12–18/5/2025, song bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ liên tục, không có điểm dừng - cho đến khi không còn ai tử vong hoặc bị thương nặng vì tai nạn giao thông. Đây là một nỗ lực lâu dài, mang tính nhân văn sâu sắc và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và từng người dân.

Xuân Việt