Quốc hội và Cử tri

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Chính sách phải khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thái Yến 15/05/2025 08:39

Tán thành và ghi nhận sự tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan thẩm tra cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội lần này. Để hoàn thiện Luật, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đã đóng góp ý kiến về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; duy trì, mở rộng việc làm.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại khoản 1, Điều 40 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc theo đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Với quy định trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điểm a và điểm b của khoản này. Bởi, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động là mối quan hệ lao động. Việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, khi người lao động mất việc, không có việc làm dù bất kỳ lý do gì, có thể là họ có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động... thì người lao động đương nhiên phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng, nộp bảo hiểm thất nghiệp, như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ảnh 1- Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh qhvn
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, việc quy định trên nhằm tránh các trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi chưa tìm được nhân sự thay thế hoặc thực hiện bàn giao công việc.

Trong khi, theo quy định tại khoản 2 Điều 428 Bộ luật Dân sự thì "bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường", khoản 4 quy định "bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia thì được bồi thường". Như vậy, khi người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện và người lao động có trách nhiệm bồi thường”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm phân tích.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bổ sung thêm đối tượng cho vay vốn với lãi suất thấp để tạo việc làm

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm tại Điều 9 và vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Điều 10. Theo đó, tại khoản 2 của 2 điều này quy định các đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp.

Với quy định trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số nội dung. Cụ thể, thứ nhất bổ sung thêm các đối tượng là người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và những hộ không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, những hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương ở nơi cư trú xác nhận.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, nội dung được đề nghị bổ sung trên cơ sở lấy ý kiến dự thảo luật, đặc biệt là qua theo dõi, giám sát, khảo sát và tiếp xúc cử tri vừa qua tại địa phương. Thực tế những đối tượng này luôn có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để lo chi phí đi lao động nước ngoài hoặc tạo việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

Theo đó, việc có chính sách cho các đối tượng này được vay vốn với lãi suất thấp là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn tiền để đi lao động nước ngoài hoặc chủ động tạo việc làm, đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, do vậy đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 9 và điểm b khoản 2 Điều 10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị quy định theo hướng để tất cả người lao động thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn đều được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, không phân biệt thành phần dân tộc. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 9 đề nghị bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là nữ được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn để đảm bảo thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới.

Ảnh 2- Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh TT
Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh TT

Bày tỏ việc tán thành với việc đổi mới tư duy xây dựng luật theo hướng chỉ quy định khung và quy định nguyên tắc, còn các quy định chi tiết thì giao Chính phủ quy định. Song, đối với luật này có 8 chương và 58 điều, trong đó có 25 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này kịp thời để trình Chính phủ ban hành các nghị định, tránh trường hợp khi luật có hiệu lực thi hành phải chờ nghị định hướng dẫn.

Thái Yến