Trào lưu uống nước cốt chanh nguyên chất: Lợi bất cập hại
Trào lưu uống 3–6 quả chanh mỗi ngày để “thải độc, kéo dài tuổi thọ” đang lan rộng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: Lạm dụng chanh có thể gây loét dạ dày, mòn răng, sỏi thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Hiện trạng đáng lo ngại
ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, xuất hiện nhiều hội nhóm và video cổ súy việc uống 200–500ml nước cốt chanh nguyên chất mỗi ngày (tương đương 3–6 quả chanh) để "thải độc, giảm cân, chữa bách bệnh". Nhiều người còn tin rằng uống chanh giúp cải thiện sinh lý, kéo dài tuổi thọ, thậm chí hồi phục kinh nguyệt sau mãn kinh.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, đây là một trào lưu thiếu căn cứ khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

Sử dụng nước chanh sao cho đúng cách?
Khi được sử dụng ở lượng điều độ (khoảng nửa trái chanh mỗi ngày, dạng pha loãng nếu uống trực tiếp), thì chanh có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe: Giàu vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa; Hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng và cải thiện làn da; Giúp vết thương nhanh lành nhờ vitamin C thúc đẩy tổng hợp collagen.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng nước cốt chanh liều cao với lượng acid citric và nồng độ vitamin C vượt ngưỡng an toàn thì có thể gây nhiều tác hại đáng lo ngại cho sức khỏe:
- Tổn thương răng miệng: Acid citric chiếm 5–6% trong nước cốt chanh, làm mòn men răng, gây ê buốt và sâu răng.
- Tổn thương hệ tiêu hóa: Gây viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh lý tiêu hóa sẵn có.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy do lượng acid cao kích thích niêm mạc đường ruột.
- Mất cân bằng điện giải và nguy cơ sỏi thận: Uống quá nhiều vitamin C có thể làm tăng bài tiết oxalate, uric acid, dễ hình thành sỏi thận, đặc biệt ở người có bệnh thận mạn.
- Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và tổn thương DNA: Một số nghiên cứu cho thấy dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể gây stress oxy hóa, ảnh hưởng đến tế bào và DNA, dù chưa có bằng chứng rõ ràng trên người.
- Tương tác với thuốc điều trị: Gây giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc chống đông máu, thuốc hạ mỡ máu, kháng nấm...
Lời khuyên từ chuyên gia
Theo ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín, nhu cầu vitamin C khuyến nghị cho người trưởng thành chỉ từ 75–90mg/ngày, mức tối đa là 2.000mg/ngày. Vượt ngưỡng này có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, hình thành sỏi thận và rối loạn chuyển hóa sắt. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, phụ nữ sau mãn kinh mắc đái tháo đường sử dụng vitamin C liều cao (≥300mg/ngày) có nguy cơ tử vong do tim mạch tăng lên.
Ngoài ra, ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín khuyến cáo, chỉ nên dùng 1–2 ly nước chanh pha loãng/ngày (1/4-1/ quả chanh pha với 240–300ml nước). Tuyệt đối không uống khi bụng đói hoặc thay thế thuốc điều trị bằng nước chanh. Bảo vệ răng miệng bằng cách uống qua ống hút, súc miệng bằng nước lọc ngay sau khi uống.
Đặc biệt, người có bệnh mạn tính (dạ dày, thận, đái tháo đường…) cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Đồng thời, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, không nên lạm dụng bất kỳ loại thực phẩm nào dưới danh nghĩa “siêu thực phẩm”.