Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)Phân biệt giữa “chính sách” và “biện pháp” đặc thù
Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần có quy định phân định chính sách đặc thù, đặc biệt nào cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ; biện pháp đặc thù nào HĐND cấp tỉnh được chủ động ban hành để có sự phân biệt giữa “chính sách” và “biện pháp” khi xác định phạm vi thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện trên thực tế.
Trao đổi với phóng viên về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thảo luận tại hội trường sáng nay, 14/5, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm thống nhất với các nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 2013, việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là cần thiết.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, dự thảo Luật đã thể chế hóa khá đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; phân định khá rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương. Các nội dung về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng cơ bản kế thừa các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã ban hành, có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý một số nội dung cần thiết. Đồng thời, đại biểu đóng góp một số ý kiến thiết thực
Bảo đảm rõ ràng trong thực hiện
Theo Điều 13 dự thảo Luật, chủ thể thực hiện phân cấp chỉ có UBND cấp tỉnh. Như vậy, HĐND cấp tỉnh cũng không thể thực hiện phân cấp cho Thường trực HĐND, UBND cùng cấp hoặc HĐND, UBND cấp xã. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 16 lại quy định UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn “quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Hội đồng nhân dân cùng cấp giao”.
Khoản 1 Điều 31 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là “Thảo luận và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được Hội đồng nhân dân cùng cấp giao”. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới có cơ chế “phân cấp” được quy định tại Điều 13, nhưng cơ chế “giao” lại chưa được quy định. Đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ chế “giao” để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Trường hợp không thực hiện cơ chế “giao”, nên bổ sung thẩm quyền phân cấp của HĐND cấp tỉnh, bảo đảm sự rõ ràng trong thực hiện.
Trường hợp HĐND cấp tỉnh không thực hiện phân cấp, đề nghị các Bộ, ngành cũng lưu ý rà soát các Luật chuyên ngành hiện nay đang quy định khá nhiều nội dung liên quan đến thẩm quyền phân cấp của HĐND cấp tỉnh, đặc biệt là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đề xuất sửa đổi cho phù hợp, thống nhất - đại biểu nhấn mạnh.
Bổ sung quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khác
Điểm c khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh là “Căn cứ vào chủ trương của Đảng quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép…”. Trong khi đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21) quy định: HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết để quy định “Chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…”.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần có quy định phân định chính sách đặc thù, đặc biệt nào cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, biện pháp đặc thù nào HĐND cấp tỉnh được chủ động ban hành (không phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ); để có sự phân biệt giữa “chính sách” và “biện pháp” khi xác định phạm vi thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện trên thực tế.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, khoản 5 Điều 33 dự thảo Luật quy định:“5. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.” Đề nghị bổ sung quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân“đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khác” để bảo đảm phù hợp với phạm vi giám sát của HĐND, đại biểu HĐND. Ví dụ, người đứng đầu các cơ quan như: Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân…
Bảo đảm tính liên tục trong giải quyết công việc
Khoản 2 Điều 54 quy định “Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế”.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này chưa xử lý được tình huống thực tế nếu văn bản quy phạm pháp luật đang quy định là nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện thì cơ quan nào tiếp tục thực hiện khi Chính phủ chưa ban hành được văn bản theo khoản 1.
Bảo đảm tính liên tục trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân trong giai đoạn chuyển tiếp, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét điều chỉnh nội dung này theo hướng: nếu văn bản quy phạm pháp luật đang quy định thẩm quyền của HĐND, UBND cấp huyện mà Chính phủ chưa ban hành được văn bản theo khoản 1 Điều này, giao Thường trực HĐND (nếu nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện), UBND cấp tỉnh (nếu nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện) xem xét giải quyết cho đến khi có văn bản của Chính phủ được ban hành.
Đại biểu cũng phân tích: Khoản 7 Điều 10 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 quy định “Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15 tháng 8 năm 2025”.
Tuy nhiên, điểm 3 Điều 51 dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân, các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện) kết thúc việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 54 của Luật này”.
Bảo đảm bộ máy chính quyền duy trì hoạt động không bị gián đoạn, đại biểu đề nghị xem xét, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền địa phương các cấp trong thời gian chưa hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp (từ thời điểm ngày 1/7/2025 đến ngày chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động).