Chính trị

Tăng cường vai trò cá nhân người đứng đầu trong mô hình chính quyền địa phương mới

Mạnh Tuân 14/05/2025 13:51

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) diễn ra sáng 14/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đã đóng góp ý kiến về tăng cường thẩm quyền cho HĐND cấp xã. Đáng chú ý, là đề xuất tăng cường vai trò cá nhân người đứng đầu, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương...

Đề xuất gọi “khu vực hải đảo” thay vì “hải đảo”

Vấn đề đầu tiên được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra là đề nghị đổi cách gọi “khu vực hải đảo” thay vì “hải đảo” trong quy định liên quan đến tên gọi đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh tại khoản 2, điều 1 của dự thảo luật. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Việt Nam là một quốc gia biển, sở hữu hơn 3.260 km đường bờ biển và hơn 2.700 hòn đảo lớn nhỏ, việc sử dụng thuật ngữ “hải đảo” có thể chưa bao quát hết ý nghĩa chiến lược của khu vực này.

b6.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu ại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu cho rằng, “khu vực hải đảo” sẽ mang đến một cách hiểu rộng hơn, bao gồm không chỉ các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam mà còn cả các đơn vị hành chính được tổ chức trên đảo, vùng biển bao quanh đảo thuộc phạm vi quản lý hành chính, kinh tế và quốc phòng. Khu vực này đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực.

Do đó, nội dung tại khoản 2, điều 1 cần điều chỉnh lại theo hướng “Đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại khu vực hải đảo (sau đây gọi chung là cấp xã)”. Sự thay đổi này không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn mang ý nghĩa khẳng định mạnh mẽ hơn chủ quyền và các lợi ích quốc gia trên biển.

Đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND

Vấn đề thứ hai mà ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà tham gia ý kiến, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, được quy định tại khoản 1, Điều 4. Hiện tại, dự thảo quy định HĐND làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, trong khi UBND hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đây là một nguyên tắc chủ đạo và đang được áp dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả của bộ máy điều hành, đặc biệt trong bối cảnh đòi hỏi sự linh hoạt, quyết đoán hiện nay, cần tăng cường vai trò cá nhân của người đứng đầu chính quyền các cấp. Đặc biệt, là trách nhiệm cá nhân Chủ tịch UBND trong các tình huống khẩn cấp, đòi hỏi quyết định nhanh chóng để ứng phó kịp thời.

Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công, theo đại biểu, Chủ tịch UBND cần có thẩm quyền rõ ràng hơn trong việc phân công công việc, kiểm tra tiến độ và xử lý các vấn đề phát sinh một cách kịp thời. Để đạt được điều này, cần quy định rõ hơn về phạm vi và thẩm quyền của Chủ tịch UBND, phân định minh bạch giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể; đồng thời, tăng cường cơ chế kiểm soát, đánh giá hiệu quả công vụ của cá nhân người đứng đầu; từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành và quản trị hành chính ở địa phương.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền

Vấn đề thứ ba được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề cập là sự cần thiết phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu trước đó về vấn đề này, đại biểu đưa ra hai đề xuất.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đầu tiên, tại khoản 5, Điều 16 về nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp tỉnh, dự thảo quy định UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn “Quản lý ngân sách địa phương, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công được giao theo quy định của pháp luật”. Với nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, nên xem xét giao thẩm quyền này trực tiếp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bởi, các nội dung liên quan đến ngân sách đều phải được đưa ra HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết nghị; đồng thời, cũng phải xin ý kiến của Đảng ủy UBND, do đó việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND sẽ giúp quá trình triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Thứ hai, tại khoản 3, điều 17 và khoản 3, điều 18, đại biểu đề xuất cần bổ sung việc đẩy mạnh ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND cho các sở ngành, Giám đốc sở ngành chuyên môn, không chỉ ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như dự thảo. Bởi, thực tế hiện nay, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng đã thực hiện việc ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho Giám đốc các sở, ngành. Tuy nhiên việc quy định cụ thể trong luật vừa bảo đảm cụ thể, chi tiết, vừa góp phần thúc đẩy yêu cầu về phân cấp, phân quyền theo quy định.

Tăng cường vai trò cơ quan dân cử ở cơ sở

Vấn đề thứ 4 mà ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề cập liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND, đặc biệt là HĐND cấp xã. Trước hết, về Điều 21 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND xã, bà nhận thấy rằng dự thảo hiện tại chưa có quy định giao thẩm quyền cho HĐND cấp xã được ban hành các chế độ, nội dung chi và mức chi cho các hoạt động của chính HĐND cấp mình.

Đại biểu cho rằng, cấp xã sẽ được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian tới do vậy xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho HĐND cấp xã là cần thiết; khắc phục hạn chế trong giai đoạn vừa qua khi HĐND cấp tỉnh ở các địa phương đều ban hành chế độ, nội dung chi, mức chi cho hoạt động của HĐN cấp huyện, xã. Tuy nhiên việc quy định như vậy cũng có trường hợp không thể bao quát hết các vấn đề của địa phương; cũng như sẽ hạn chế quyền chủ động trong ban hành chính sách của HĐND cấp xã trong thời gian tới đây, nhất là trong bối cảnh HĐND cấp xã đã được bổ sung thẩm quyền ban hành Văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Điều 21 dự thảo hiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã; tuy nhiên thẩm quyền trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân sách của cấp này vẫn còn khá hẹp. Do đó, cần phải tiếp tục phân cấp, mở rộng thêm thẩm quyền cho HĐND cấp xã trong các lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền cho HĐND cấp xã trong việc huy động các nguồn lực của Nhân dân trên địa bàn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cuối cùng, liên quan đến Chương VI của dự thảo luật, quy định về tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính và trong các trường hợp đặc biệt, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần bổ sung một điều khoản luật hóa về việc chỉ định Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND (lâm thời). Việc này là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế khi có sự thay đổi về địa giới hành chính hoặc các tình huống đặc biệt khác, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương đã được nêu tại mục 4 của Kết luận 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Mạnh Tuân