Quốc hội và Cử tri

Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của toàn dân

Tịnh Hà 14/05/2025 12:38

(DBND) - Cử tri tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là công việc hệ trọng của toàn dân, và không phải là những vấn đề “xa lạ” hay “thuộc về giới chuyên gia” mà đều là những nội dung có ý nghĩa sâu rộng, tác động trực tiếp tới người dân và mô hình vận hành bộ máy chính quyền các cấp.

Cử tri Nguyễn Văn Dũng (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh): Sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn là cần thiết và kịp thời

Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương sửa đổi Hiến pháp lần này, bởi Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cao nhất điều chỉnh tổ chức bộ máy nhà nước và quyền, nghĩa vụ của công dân. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng cao, việc sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình thực tiễn là cần thiết và kịp thời.

Đặc biệt, sửa đổi Hiến pháp không chỉ là việc của nhà nước, mà là công việc hệ trọng của toàn dân. Sự tham gia, đóng góp ý kiến của người dân không những thể hiện quyền làm chủ, mà còn giúp các nội dung sửa đổi thật sự sát thực, đi vào cuộc sống.

1(5).jpg
Cử tri Nguyễn Văn Dũng (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh)

Trong đó, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp - cấp tỉnh và cấp cơ sở là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển và tình hình mới của đất nước. Bởi, thực tế cho thấy, sau nhiều năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ dân trí và hạ tầng kỹ thuật ngày càng nâng cao. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là bộ máy chính quyền phải thực sự tinh gọn, linh hoạt, đáp ứng nhanh với yêu cầu quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc tổ chức chính quyền hai cấp sẽ tạo điều kiện để phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp; tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cấp tỉnh và cấp cơ sở - nơi gần dân, sát dân nhất. Bên cạnh đó, đây cũng là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện để nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, giảm gánh nặng chi ngân sách thường xuyên và tạo động lực cho phát triển.

Quan trọng hơn, với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các hoạt động quản lý nhà nước hoàn toàn có thể được thực hiện hiệu quả hơn mà không cần một bộ máy cồng kềnh. Nói cách khác, tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp không chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật, mà còn là yêu cầu tất yếu để xây dựng một nền hành chính phục vụ, liêm chính, hiện đại - phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước ta.

Cử tri Nguyễn Văn Thiệu (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh): Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - xây dựng, tôi đặc biệt quan tâm đến môi trường thể chế và cách tổ chức bộ máy chính quyền tại địa phương. Với doanh nghiệp, sự thông suốt, minh bạch và hiệu quả của bộ máy hành chính cơ sở không phải là vấn đề lý thuyết, mà là yếu tố quyết định đến năng suất, chi phí và cả cơ hội phát triển.

3.jpg
Cử tri Nguyễn Văn Thiệu (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)

Khi biết Quốc hội đang xem xét sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, tôi thực sự thấy lạc quan. Việc hoàn thiện mô hình chính quyền các cấp - từ xã, huyện đến tỉnh - theo hướng tinh gọn, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm là bước đi cần thiết, thể hiện quyết tâm đổi mới quản lý nhà nước, hướng đến phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng chồng chéo trong xử lý công việc, thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí là thiếu nhất quán giữa các cấp. Điều này làm mất thời gian và chi phí trong các khâu xin phép, đấu thầu, tiếp cận hoặc triển khai dự án. Việc sửa đổi Hiến pháp tạo cơ sở để tổ chức lại chính quyền địa phương một cách hợp lý - bảo đảm mỗi cấp có vai trò rõ ràng, hạn chế trung gian sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung cơ hội phát triển trực tiếp.

Tôi cũng rất ủng hộ việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong mô hình chính quyền, đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ. Khi chính quyền cấp cơ sở có đủ thẩm quyền và năng lực, công việc sẽ được xử lý nhanh hơn, sát thực tế hơn và hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, tôi đánh giá cao điểm nhấn của lần sửa đổi Hiến pháp này là hướng đến một chính quyền kiến tạo phát triển, chứ không đơn thuần là điều hành - quản lý; phù hợp với thời đại chuyển đổi số, hội nhập toàn cầu và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Một bộ máy hành chính “mở” hơn, lắng nghe hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hiện đại và văn minh.

Cử tri Đỗ Trọng Toàn (sinh viên Trường đại học FPT tại TP. Hồ Chí Minh): Cách mạng hóa hạ tầng quản lý trong kỷ nguyên số

2(1).jpg
Cử tri Đỗ Trọng Toàn (sinh viên Trường đại học FPT tại TP. Hồ Chí Minh)

Là một sinh viên ngành công nghệ thông tin, tôi luôn tin rằng để phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số, không chỉ cần nền tảng công nghệ mạnh, mà còn cần một hệ thống hành chính tinh gọn, linh hoạt và phục vụ tốt nhất cho người dân. Việc sửa đổi Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính là một bước đi đúng đắn, giúp bộ máy quản lý ngày càng hiện đại hóa, theo kịp tốc độ của công nghệ.

Với những điều chỉnh này, chúng ta sẽ có điều kiện để đầu tư tập trung hơn: kết nối hạ tầng số, triển khai đô thị thông minh, số hóa dịch vụ công - những điều mà sinh viên công nghệ như em vô cùng quan tâm. Một hệ thống hành chính hợp lý, hiệu quả sẽ là “nền móng” để phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ xã hội một cách toàn diện.

Cùng với đó, về lâu dài, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, và triển khai các giải pháp chuyển đổi số đến tận cơ sở. Đó là điều mà thế hệ trẻ rất kỳ vọng và mong muốn được góp phần xây dựng.

Tịnh Hà