Đã có hàng triệu lượt ý kiến Nhân dân góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Sáng 14/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
.png)
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong chiều 7/5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ về các nội dung này gửi đại biểu Quốc hội.
.png)
Theo đó, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và 132 lượt góp ý về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6/5 vừa qua trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân.
Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết, phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013. Các ý kiến phát biểu tại Tổ chủ yếu góp ý về cách thể hiện câu từ, diễn đạt trong dự thảo Nghị quyết.

Đối với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo Luật. Một số ý kiến góp ý trực tiếp về các điều, khoản cụ thể. Chính phủ đã có Báo cáo số 420 ngày 13/5, bước đầu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại thảo luận tại Tổ.
Để phiên thảo luận đạt hiệu quả cao nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội phát biểu ngắn gọn, thể hiện rõ quan điểm, mỗi đại biểu phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp quan trọng này...