Kiến tạo hệ sinh thái điện ảnh cách mạng
Điện ảnh cách mạng gắn với những câu chuyện hào hùng và bi tráng của dân tộc, là bước đệm trên hành trình sáng tạo...
Chạm vào lòng yêu nước
Nét đặc trưng của điện ảnh cách mạng Việt Nam là từ khi được thành lập, các bộ phim luôn bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc. Nhận định như vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, TS. Ngô Phương Lan phân tích, suốt 30 năm từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 cho đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, điện ảnh Việt Nam được xem là nền điện ảnh chiến tranh.
Đặc biệt những năm chống Mỹ, điện ảnh tập trung ca ngợi phẩm chất cao quý của thời chiến như anh hùng trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung, đề cao những chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt Nam như thủy chung vẹn toàn, lấy đức hy sinh vì người khác làm lẽ sống… Phim được người xem nồng nhiệt đón nhận, bởi đó là nguồn động viên to lớn, giúp mỗi người vượt qua gian lao và nguy hiểm, chiến thắng bản thân để đi đến thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, với hàng loạt đổi thay, cải cách. Luồng gió Đổi mới đem đến cho điện ảnh những tác phẩm mà giờ đây nhìn lại vẫn thấy nhiều nét mới mẻ và táo bạo. Các phim đề tài chiến tranh tương đối thành công đều là phim Nhà nước đặt hàng, gai góc và quyết liệt, tái hiện sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh qua lăng kính của những con người đang sống trong thời bình.

20 năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh những bộ phim chiến tranh của các đạo diễn có tiếng như Đặng Nhật Minh, Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân… một số đạo diễn trẻ cũng ghi dấu ấn nhất định. Có thể kể đến Đường thư (2004) của Bùi Tuấn Dũng thể hiện chiến tranh theo hướng phim hành động, cuốn người xem vào hành trình của người lính quân bưu; Sinh mệnh (2007) của Đào Duy Phúc lột tả ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa khát vọng yêu và sự kìm nén; Mùi cỏ cháy (2011) của Nguyễn Hữu Mười về 81 ngày đêm chiến đấu và hy sinh anh dũng của các chàng lính trẻ tại Thành cổ Quảng Trị năm 1971; Những người viết huyền thoại (2013) của Bùi Tuấn Dũng khắc họa chân dung vị tướng và những chiến sĩ mở con đường Trường Sơn huyết mạch nối liền Bắc - Nam trong chiến tranh chống Mỹ…
Đặc biệt, gần đây phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của Bùi Thạc Chuyên về những ngày hào hùng và bi tráng nơi địa đạo Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước làm nên hiện tượng của đời sống điện ảnh, là tiền đề để đề tài chiến tranh cách mạng bật lên mạnh mẽ.
Theo TS. Ngô Phương Lan, quan trọng nhất là các bộ phim đã chạm được vào lòng yêu nước của người Việt, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh ngoài sức tưởng tượng, dù rằng trong từng giai đoạn lịch sử, cách nhìn, cách tư duy và sáng tạo của các nhà làm phim có thay đổi rõ rệt. Sau khi đất nước thống nhất, các nhà làm phim đã có sự giãn cách thời gian để suy ngẫm, từ đó có những phim thể hiện bi kịch chiến tranh, những thân phận bé nhỏ, bất hạnh; có những phim mang tính khái quát, chứa đựng triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam.
"Cách nhìn đa chiều, cách khai thác những góc khuất chiến tranh, những lát cắt đời thường của các nhân vật dù là người lính hay vị tướng, cách thể hiện lúc tinh tế, lúc trần trụi đã làm nên sự khác biệt của những bộ phim chiến tranh trong giai đoạn hòa bình so với phim chiến tranh thời chiến”, TS. Ngô Phương Lan nhận định.
Mở rộng cánh cửa sáng tạo
Là mảnh đất trù phú cho sáng tạo nhưng trên thực tế những năm qua, điện ảnh về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng vẫn còn những khoảng trống rất lớn. Bên cạnh số ít phim thành công, được sự ghi nhận, đánh giá cao của giới chuyên môn và khán giả, cũng có những bộ phim kém chất lượng, không có đủ kinh phí để đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ xảo và dàn dựng. Tư duy truyền thống trong một số bộ phim đã ràng buộc nội dung, khiến tác phẩm trở nên cứng nhắc. Sự thiếu kết nối giữa nội dung phim và đời sống hiện đại cũng là một yếu tố làm cho phim khó tiếp cận công chúng thế hệ mới.

Các phim về đề tài chiến tranh, cách mạng đang bị khoác một lớp áo quá chật nên khó bứt phá. PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam dẫn chứng trường hợp phim Địa đạo. Khi kịch bản phim được Nhà nước xem xét đặt hàng và đầy hứa hẹn là bộ phim xứng tầm ra rạp dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, câu chuyện khi ấy là để tái tạo bối cảnh, không khí chân thực cho một số tác phẩm về đề tài chiến tranh, tiên lượng số tiền đầu tư của Nhà nước sẽ không đủ. Những người làm phim xin phép được huy động thêm kinh phí từ nguồn xã hội hóa nhưng không được chấp thuận. Cuối cùng, đạo diễn đành khước từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước để tự làm phim bằng nguồn vốn huy động 100% từ bên ngoài.
Theo PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2023 đã đề cập đến việc phát huy hiệu quả “xã hội hóa” nhưng trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật lại chưa có dòng nào cụ thể về việc này. PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng đầu tư cho những ý tưởng mới lạ, thường xuyên đỡ đầu các dự án độc đáo, hỗ trợ các nhà làm phim tài năng là bài học lớn về phát triển điện ảnh. "Đặc biệt với điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng, Nhà nước nên thường xuyên quan tâm đồng hành, có chiến lược đầu tư mạnh mẽ, xây dựng hệ sinh thái kích thích sự phát triển từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, tài trợ cho dự án phim triển vọng, làm bệ đỡ cho bộ phim vươn cao, vươn xa”.
Để vượt qua thách thức, điện ảnh cần đổi mới mạnh mẽ cách tiếp cận, sản xuất, hiện đại hóa kỹ thuật làm phim, kết nối câu chuyện lịch sử với đời sống hiện đại để tạo ra tác phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu thời đại. Chỉ khi hòa nhập và đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ, dòng phim này mới phát triển bền vững. Nói như TS. Ngô Phương Lan: “Hơn bao giờ hết, rất cần sự đổi mới tư duy, đổi mới cách khai thác đề tài chiến tranh từ phía các nhà sáng tác, nhà làm phim, nghệ sĩ để làm sống lại một đề tài lớn, vô tận, để phim về chiến tranh có sức chinh phục khán giả hôm nay”.