Mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp tư nhân
“Cần mạnh dạn giao việc cho khu vực tư nhân. Nếu doanh nghiệp nhỏ không được trao cơ hội thực hiện các dự án quan trọng thì về sau đất nước sẽ thiếu lực lượng kế cận đủ năng lực đảm trách những công trình lớn”, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nói tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết số 68-NQ/TW” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức ngày 13/5.
Nghị quyết số 68-NQ/TW mở ra “trạng thái mới” cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW là văn kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ nhận thức và quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới, PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh tại tọa đàm. Theo ông, điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết chính là việc xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. "Đây là bước chuyển biến căn bản trong tư duy phát triển, góp phần mở rộng các động lực đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ hơn".

Còn theo Luật sư Bùi Văn Thành, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra một “trạng thái mới” cho kinh tế tư nhân. Họ không chỉ được khẳng định về vị thế, mà còn được tiếp cận hệ thống thể chế theo cách thức hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Điểm nổi bật của Nghị quyết này là thể chế được thiết kế với trọng tâm là nhìn nhận, trao quyền và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Điều này tạo niềm tin mới cho cộng đồng doanh nhân, và khi được tin tưởng, doanh nghiệp sẽ dám làm, dám bỏ tiền, bỏ công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu dài hạn.
Từ góc nhìn của mình, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng, một điểm mới đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW đó là yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Theo đó, đối với các sai phạm kinh tế, doanh nghiệp hoặc doanh nhân có thể được xem xét xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc tài chính, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả thay vì bị xử lý hình sự ngay từ đầu. Đặc biệt, trong những trường hợp dù có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng hậu quả đã được khắc phục đầy đủ, Nghị quyết cho phép xem xét không khởi tố hình sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng đây là bước tiến có tính nhân văn, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm sự ổn định cho môi trường kinh doanh. “Thực tế cho thấy, việc hình sự hóa các sai phạm kinh tế, đặc biệt với doanh nhân tư nhân, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn dẫn đến sự đổ vỡ của cả doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép sửa sai, khắc phục hậu quả rồi mới cân nhắc xử lý hình sự là một hướng đi rất đáng khuyến khích”, ông nhận định.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thay đổi
Làm sao để sau Nghị quyết 68-NQ/TW, kinh tế tư nhân có thể thực sự cất cánh? Nêu ra vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng đây không chỉ là câu hỏi mang tính thực tiễn mà còn là bài toán lý luận cần lời giải rõ ràng.
Việt Nam phải hành động quyết liệt, chỉ như thế Nghị quyết số 68-NQ/TW mới thực sự thành công và đưa Việt Nam theo kịp các nền kinh tế phát triển, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói.
Nhấn mạnh điều cần thiết hiện nay là tư duy phát triển mang tính hệ thống và đồng bộ, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng cần có thêm nghị quyết về công nghiệp và nghị quyết về giáo dục. Khi đó, chúng ta có thể định hình một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững cho đất nước.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng kỳ vọng sẽ có thêm các bước tiến tiếp theo về cải cách tư pháp nhằm đồng bộ hóa hệ thống thể chế. “Hy vọng sau Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng, thực thi pháp luật và Nghị quyết về kinh tế tư nhân, chúng ta sẽ có một nghị quyết riêng về cải cách tư pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, ông Hà bày tỏ.
Là “người trong cuộc”, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chiến lược phát triển bền vững. “Nhìn vào bộ máy nhà nước, chúng ta thấy yêu cầu cải cách rất lớn, nhưng ngay cả doanh nghiệp cũng không ngoại lệ. Không thể quản trị bằng kinh nghiệm hay cảm tính mãi, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa mô hình vận hành”.
Đồng thời, ông Hùng cho rằng, để tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ, cần mạnh dạn trao cơ hội và giao việc cho khu vực tư nhân. Nếu các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là ở địa phương, không được trao cơ hội thực hiện các dự án quan trọng, thì sau này đất nước sẽ thiếu lực lượng kế cận đủ năng lực để đảm trách những công trình lớn.