Ý kiến đại biểu

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi):Đề nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện

Thái Yến 13/05/2025 21:36

Quy định về bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), qua đó góp phần ổn định đời sống của người lao động.

Xem xét giảm điều kiện đóng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) từ Điều 34 đến Điều 36 quy định về bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, dự thảo luật đã kế thừa những nguyên tắc cơ bản xác định mức đóng tối đa 1% cho người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa là 1%. Hình thức quản lý ghi nhận thông qua sổ bảo hiểm xã hội là thống nhất, thuận tiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, với cách quy định tối đa mức đóng tại Điều 35 là thiếu cụ thể, từ đó dẫn đến sự bất ổn trong chính sách dài hạn, gây tâm lý cho người lao động, doanh nghiệp và tiền lương làm căn cứ. Trong khi, tại Điều 36 chưa bao quát được các khoản thu nhập ngoài lương như thưởng, trợ cấp cố định dễ dẫn đến việc lách luật để đóng thấp. Theo đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đã đề nghị cần quy định mức đóng cụ thể. “ Ví dụ cố định 1% và chỉ cho phép điều chỉnh khi Quốc hội quyết định hoặc trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, mở rộng tiền lương làm căn cứ đóng để bảo đảm phản ánh đúng thu nhập thực tế của người lao động”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị.

img_6386.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh Hồ Long

Cho ý kiến về điều kiện và mức trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 40, Điều 41 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, dự thảo luật đã giữ được các điều kiện cơ bản như chấm dứt hợp đồng có đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, nộp hồ sơ đúng hạn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy việc yêu cầu đóng đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi nghỉ việc tại khoản 2 Điều 40 là khá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, nhiều lao động hợp đồng ngắn hạn mức hưởng 60% lương bình quân như quy định tại Điều 41 chưa phù hợp với mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay. Thời gian hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng là hợp lý nhưng cách tính lũy tiến 12 tháng được 3 tháng, sau đó 12 tháng thêm 1 tháng là khá chậm, thiệt thòi cho người lao động đóng nhiều năm. Từ đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đã đề nghị xem xét giảm điều kiện đóng 9 tháng trong 24 tháng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng mức hưởng lên 70% lương bình quân 6 tháng gần nhất trong giới hạn không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng, cải tiến cách tính thời gian hưởng theo hướng cứ mỗi 6 tháng đóng thêm được cộng thêm 1 tháng trợ cấp thay vì 12 tháng như hiện nay.

Nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã dành từ Điều 45 đến Điều 49 quy định về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, Dự thảo luật quy định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính độc lập có quy định kiểm toán định kỳ 3 năm, yêu cầu công khai, minh bạch trong sử dụng và đầu tư quỹ.

Với quy định trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy, như vậy là chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng kết dư quỹ, trong khi thực tế hiện nay quỹ đang dư khá lớn, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Mặt khác, cũng chưa phân định rõ tỷ lệ chi các mục như chi trợ cấp, chi hỗ trợ đào tạo, chi tổ chức bộ máy dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng chi phí quản lý.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị xem xét, bổ sung nguyên tắc sử dụng kết dư quỹ theo hướng ưu tiên hỗ trợ người lao động đào tạo lại, chuyển đổi nghề, hỗ trợ khẩn cấp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, quy định rõ mức trần chi phí tổ chức hoạt động. “Ví dụ không quá 5% tổng chi để tránh lạm chi và yêu cầu công bố hằng năm báo cáo tài chính, tình hình đầu tư quỹ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của cơ quan chủ quản.

img_6387.jpeg
Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp bảo đảm an sinh tốt hơn. Ảnh VGP

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện; bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, kỹ năng xanh vào mục hỗ trợ đào tạo từ quỹ tại Điều 39 và Điều 44 để người lao động thích ứng với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, già hóa dân số; xây dựng cơ chế cảnh báo sớm mất cân đối quỹ để bảo vệ bền tính bền vững của quỹ trước các biến động kinh tế lớn.

Thái Yến