Văn hóa - Thể thao

Thu hơn 90 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong quý I/2025

H.Hà 13/05/2025 18:00

Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, tính đến hết quý I/2025, VCPMC đã thu hơn 90 tỷ đồng tiền tác quyền. Nhạc sĩ được nhận tiền tác quyền âm nhạc nhiều nhất quý I là hơn 1 tỷ đồng.

vc.jpg
VCPMC kỳ vọng năm 2025 sẽ thu khoảng 500 tỷ đồng tiền phí tác quyền âm nhạc

“Tính đến đầu tháng 5, số lượng nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC trong việc thu phí tác quyền âm nhạc là 6.720 người, tăng 400 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ và tác giả trẻ đăng ký trở thành hội viên VCPMC. Điều đó cũng đồng nghĩa, VCPMC đã và đang ngày càng khẳng định vị thế, địa chỉ tin cậy của các thế hệ nhạc sĩ, tác giả. Đây là điều chúng tôi thực sự rất vui mừng”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ tại gặp gỡ báo chí ngày 13/5.

VCPMC đang đặt mục tiêu giảm bớt phần trăm phí thu tiền tác quyền của các hội viên. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, mức phí đang là 80/20, tác giả được hưởng 80%, VCPMC thu 20% tiền phí dịch vụ trên tổng số tiền tác quyền thu được. Tuy nhiên, VCPMC sẽ cố gắng giảm xuống còn 15% - 18% tùy theo giai đoạn.

“Việc này đồng nghĩa với mục tiêu hướng tới của VCPMC là chi trả tối đa quyền lợi cho các tác giả mà họ đáng được hưởng khi sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật”, ông Cẩn nói.

Thời gian vừa qua, VCPMC cũng linh động chi trả trước tiền tác quyền cho các nhạc sĩ, tác giả mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh khó khăn. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, sự đồng hành của VCPMC với hội viên, góp phần phát triển âm nhạc và nghệ thuật nước nhà.

VCPMC tăng cường hỗ trợ các tác giả rà soát tác phẩm đặc biệt là vấn đề bảo lưu bản quyền, lấy lại quyền cho tác giả nếu có các giao dịch hoặc nếu hợp tác đã hết thời hạn nhằm đảm bảo quyền lợi và khai thác tối đa bản quyền cho tác giả; hỗ trợ các vấn đề thừa kế, tranh chấp quyền tác giả…

Nhìn nhận về công tác thu phí tác quyền âm nhạc hiện nay, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng, các đơn vị sử dụng nhạc nền đã có ý thức hơn trong việc xin phép đúng chủ thể quyền. Tuy nhiên, một số đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn còn né tránh, chưa tự nguyện thỏa thuận trả tiền bản quyền. Nhiều đơn vị sử dụng tác phẩm ở lĩnh vực trực tuyến vẫn tìm cách né tránh và không hợp tác.

Đơn vị cũng tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, thúc đẩy nhanh các vụ kiện xử lý xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực biểu diễn, phát sóng, truyền đạt, sao chép trực tuyến...

H.Hà