Chính trị

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế và Tài chính

Minh Trang 12/05/2025 19:01

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh tham dự

Chiều 12/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.

202505121843328353_dsc_3602_1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân; bổ sung ngân sách nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

202505121843328040_dsc_3489_1.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân của Quốc hội tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong…

Dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung định lượng, như doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.

202505121843328665_dsc_3657.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu

UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại…

Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều khẳng định, dự thảo Nghị quyết cơ bản thể chế hóa nhiều chủ trương quan trọng của Đảng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, thể hiện tư duy đổi mới, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân toàn diện trên các mặt đất đai, thuế, tín dụng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy định thật cụ thể nội dung này, làm rõ phương thức hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp, nếu không sẽ rất khó triển khai vì kinh nghiệm cho thấy hiệu quả hỗ trợ bằng chính sách này trước đây rất thấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải đề nghị, chỉnh lý Điều 9 để mở rộng phạm vi hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho cả các dự án đổi mới công nghệ, chuyển đổi số quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân.

202505121843327884_dsc_3426.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu

Ví dụ, bổ sung: “Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện dự án đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hoặc dự án xanh, tuần hoàn đáp ứng tiêu chí ESG… Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới, chuyển đổi số, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực môi trường, qua đó thúc đẩy năng suất và sức cạnh tranh”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị tăng cường ưu đãi thuế cho công nghệ sạch, kinh tế xanh (Điều 12). Cụ thể, cho phép doanh nghiệp được khấu trừ 150% chi phí cho hoạt động đổi mới, nâng cấp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ưu đãi này song song với ưu đãi chi phí R&D, qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, cải tiến quy trình để phát triển bền vững.

Cũng tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về minh bạch tài sản công trong Điều 8 dự thảo Nghị quyết.

202505121843328353_dsc_3578.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Theo đó, để chính sách cho thuê tài sản công nhàn rỗi hiệu quả và công bằng, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định yêu cầu UBND cấp tỉnh công khai danh mục tài sản công không sử dụng đủ điều kiện cho doanh nghiệp thuê, cùng các tiêu chí và quy trình lựa chọn doanh nghiệp thuê. Việc này bảo đảm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương, dễ dàng tiếp cận thông tin và hạn chế tiêu cực trong cho thuê tài sản công.

Đánh giá cao sự đồng hành của Bộ Tài chính và cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp để các chính sách bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Không kỳ vọng Nghị quyết trình Quốc hội thể chế hóa hết được Nghị quyết 68 mà cần có lộ trình để sửa đổi các quy định chưa phù hợp” Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng yêu cầu hai cơ quan tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình để bãi bỏ một số quy định, tạo thể chế thúc đẩy phát triển hỗ trợ kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Minh Trang