Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Syria sau một loạt đề nghị hấp dẫn?
Theo một số nguồn tin, Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ gặp nhà lãnh đạo Hồi giáo của Syria Ahmed al-Sharaa trong khuôn khổ chuyến thăm vùng Vịnh đầu tiên.
Thiện chí của Damascus
Mặc dù vẫn bị Hoa Kỳ coi là thành phần khủng bố, Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa vẫn có lịch trình hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Riyadh vào 13/5, do Thái tử Ảrập Xêút Mohammed Bin Salman chủ trì. Ngoài ra, ông Trump cũng dự kiến sẽ gặp Mahmoud Abbas, Tổng thống Chính quyền Palestine, và Joseph Aoun, Tổng thống mới của Lebanon.

Với tư cách là người đứng đầu nhóm phiến quân Hồi giáo Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), ông al-Sharaa đã lãnh đạo một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria vào tháng 12, lật đổ nhà lãnh đạo Bashar al-Assad và chấm dứt 13 năm nội chiến.
Còn có tên gọi khác là Abu Mohammad al-Julani, nhân vật này từng gia nhập al-Qaeda ở Iraq ngay trước khi Hoa Kỳ đưa quân vào nước này năm 2003 và đã chiến đấu trong ba năm chống lại lực lượng liên quân như một phần của cuộc nổi dậy.
Ông đã phải ngồi tù 5 năm sau khi bị người Mỹ bắt giữ, và sau đó có thời gian ngắn liên quan đến Nhà nước Hồi giáo, trước khi quay sang lên án nhóm này và sau đó là lên án chủ nghĩa thánh chiến nói chung.
Ảrập Xêút đã đầu tư nguồn lực đáng kể để giúp Syria phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài. Chính vì vậy, nước này đã rất tích cực vận động Nhà Trắng tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo mới của Syria.
Cuộc gặp diễn ra vào ngày đầu tiên trong chuyến thăm Trung Đông của ông Trump có thể mang lại hy vọng cho chế độ mới của đất nước này. Syria đang phải vật lộn để thực hiện các điều kiện do Washington đặt ra để được nới lỏng lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, khiến nước này bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và khiến quá trình phục hồi kinh tế trở nên vô cùng khó khăn sau 14 năm chiến tranh. Bất chấp sự ủng hộ của khu vực, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Syria - trong số những việc khác, sẽ cho phép nước này tham gia vào hệ thống tài chính quốc tế - được coi là rất quan trọng đối với tương lai của chế độ này.

"Ông Sharaa muốn có thỏa thuận cho tương lai của đất nước. Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy muốn có một tòa tháp Trump ở Damascus. Ông ấy muốn hòa bình với các nước láng giềng. Những gì ông ấy nói với tôi là tốt cho khu vực, tốt cho Israel", ông Jonathan Bass, một nhà hoạt động người Mỹ ủng hộ ông Trump, từng có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria ngày 30/4 để dàn xếp cuộc gặp cho biết.
Ông Bass nói thêm rằng nhà lãnh đạo Syria sẵn sàng ký thỏa thuận với Mỹ về khai thác năng lượng, hợp tác chống lại Iran và bắt tay với Israel. Ông Sharaa cũng chia sẻ những gì ông coi là nét tương đồng với ông Trump: Cả hai đều từng bị bắn, may mắn sống sót sau những nỗ lực ám sát”, ông Bass kể.
Khả năng Washington dỡ bỏ trừng phạt
Để báo hiệu sự thay đổi có thể xảy ra trong chính sách của Washington, hôm 12/5, khi trả lời câu hỏi của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Trump cho biết ông có thể nới lỏng lệnh trừng phạt. "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về các lệnh trừng phạt... Chúng tôi có thể gỡ bỏ chúng vì chúng tôi muốn giúp họ có một khởi đầu mới", ông Trump nói với các phóng viên.
"Nhiều người đã hỏi tôi về điều đó, cách chúng tôi trừng phạt không thực sự giúp họ bắt đầu lại. Vì vậy, chúng tôi muốn xem chúng tôi có làm gì để giúp đỡ họ”, ông nói.
Một cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Syria dựa trên lịch sử chính sách đối ngoại của Chính quyền Trump khi ông thường xuyên phá vỡ các điều cấm kỵ, chẳng hạn như việc ông gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào năm 2019.
Sẵn sàng chìa ra cành ôliu
Một trong những thông điệp mà nhà lãnh đạo Syria muốn gửi đến Washington là nước này không gây ra mối đe dọa nào đối với Israel, quốc gia đã tăng cường các cuộc không kích vào Syria kể từ khi nhóm nổi dậy tiếp quản quyền cai trị Syria sau khi lật đổ cựu tổng thống Bashar al-Assad vào năm ngoái.
Lực lượng bộ binh của Israel đã chiếm đóng lãnh thổ ở phía tây nam Syria trong khi chính phủ nước này vận động Hoa Kỳ duy trì tình trạng phi tập trung và cô lập ở Syria. Israel cho biết họ muốn bảo vệ các nhóm thiểu số Syria. Trong khi đó, Syria cáo buộc đây là hành động leo thang.
Tuần trước, Tổng thống Sharaa đã xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Israel nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng, sau khi có thông tin cho rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra với vai trò trung gian của UAE. Thậm chí Tổng thống Sharaa đã được cho là đang tìm kiếm một cuộc gặp trực tiếp với các qua chức Israel.
Tuy nhiên đáp lại, Israel đã sớm nối lại các cuộc không kích, bao gồm một cuộc tấn công gần dinh tổng thống, được coi là thông điệp đối với lực lượng cầm quyền về quyết tâm bảo vệ cộng đồng thiểu số Druze của nước này trong các cuộc giao tranh với các chiến binh Sunni.
"Sharaa đã gửi cho người Israel một cành ô liu. Israel đã gửi tên lửa", ông Bass nói. "Chúng ta cần Tổng thống Trump giúp giải quyết mối quan hệ này".