Ý kiến đại biểu

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Thống nhất điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thái Yến 13/05/2025 10:09

Thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ Chín về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số nội dung về bảo hiểm thất nghiệp và một số nội dung về duy trì, mở rộng việc làm.

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động

Về đóng bảo hiểm thất nghiệp, tại khoản 1 ở Điều 35 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại điểm a “người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng”, điểm b “người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp''.

Để tránh việc người sử dụng lao động đóng mức bảo hiểm thất nghiệp ở mức rất thấp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung mức đóng tối thiểu của người lao động và người sử dụng lao động là bao nhiêu phần trăm trên tiền lương tháng (%/tháng).

ẢnhĐại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ. Ảnh qhvn
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ). Ảnh: quochoi.vn

Cùng với đó, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định ở Điều 40 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung hiện nay chưa thống nhất trong các điều khoản của dự án luật.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 40 quy định: “Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Chí Nghĩa ở khoản 3 Điều 31 về nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp quy định ''mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp''.

Như vậy, 2 nội dung này vẫn chưa khớp với nhau vì khoản 2 Điều 40 thì quy định thời gian hưởng thất nghiệp là khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, còn khoản 3 Điều 31 thì quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp lại tính theo căn cứ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định được thống nhất.

Bảo đảm các đối tượng lao động đều có cơ hội tạo lập việc làm ổn định

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm ở Điều 9, điểm b và điểm c. Trong đó, cụ thể điểm c khoản 2 quy định người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định sẽ được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ảnh 2- Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp bảo đảm an sinh tốt hơn. Ảnh VGP
Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp bảo đảm an sinh tốt hơn. Ảnh VGP

Để bảo đảm tất cả các đối tượng lao động sẽ đều có cơ hội, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, tạo lập được việc làm ổn định, phát triển kinh tế sản xuất bền vững lâu dài, theo đại biểu Đào Chí Nghĩa cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định tất cả người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách này.

Cùng với đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm đối với đối tượng là người nhiễm chất độc màu da cam vì đây cũng là một đối tượng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Đồng thời, tại điểm 5 phần 3 của Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới có nêu ''Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ cho người không có khả năng lao động, người khuyết tật, người cao tuổi, người di cư và gia đình có trẻ em, người thu nhập thấp, phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn'', đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm đối với người di cư, tạm cư, đối với hộ gia đình có trẻ em, người có thu nhập thấp để nhằm bảo đảm chính sách hỗ trợ việc làm được bao quát và toàn diện hơn.

Thái Yến