Giáo dục

Dạy 2 buổi/ngày miễn phí cho học sinh: "Bài toán" nan giải cần giải pháp đồng bộ

Trang Nhung 13/05/2025 08:29

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức đánh giá, chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí mang đến nhiều lợi ích thiết thực, nhưng để sớm đưa vào cuộc sống vẫn là "bài toán" nan giải.

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các bộ, ban, ngành về chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học ngày 18/4, Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận: Các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương. Có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2026.

Còn nhiều thách thức

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Thanh Hóa, ĐBQH Trần Văn Thức cho rằng, chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí là bước tiến quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục và hỗ trợ học sinh.

Chủ trương này sẽ tác động lâu dài tới nền giáo dục, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, và tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, tiếp cận giáo dục chất lượng hơn.

b2373f1b778dae551bd0fe3ff4799f1aba68a253ef8f6ff8e98ae864d6fd72bf6d-_z6050149200570-aa049a3b48b74b8da9c744fda746e426-044333.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Thanh Hóa)

Tuy vậy, theo đại biểu Trần Văn Thức, việc triển khai chính sách tại các địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất là thách thức không nhỏ.

Hiện nay, nhiều trường học chưa bố trí được tỷ lệ 1 phòng học/lớp, để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Tại thành phố và các khu vực đông dân cư, số học sinh khá cao trong khi diện tích trường hạn chế dẫn đến tình trạng quá tải học sinh trong một lớp.

Nhiều cơ sở giáo dục không có đủ các phòng chức năng như phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng học bộ môn riêng biệt. Nhiều khu vực như nhà đa năng; nhà ăn; sân chơi,... của các trường chưa đạt chất lượng.

Ngoài ra, thực trạng thiếu thiết bị phục vụ cho việc dạy và học các môn học đòi hỏi công nghệ cao còn hạn chế, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT hiện hành.

Mặt khác, vấn đề thiếu hụt đội ngũ giáo viên cũng cần được đặc biệt quan tâm, nhất là tại các thành phố lớn có tốc độ gia tăng dân số nhanh, cũng như ở vùng sâu, vùng xa.

"Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, gần 65.000 biên chế đã được giao cho các địa phương nhưng mới tuyển được khoảng 6.000 người", Đại biểu Thức thông tin.

Mặc dù đã có chủ trương bổ sung biên chế, tuy vậy việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không tuyển đủ số lượng giáo viên theo chỉ tiêu được giao. Tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra không đồng đều giữa các môn học. Ví dụ, môn Toán, Ngữ văn có thể đủ giáo viên, trong khi các môn như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học tự nhiên lại thiếu trầm trọng.

Mặt khác, sự mất cân đối còn thể hiện ở việc phân bổ giáo viên giữa các vùng miền. Các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thường thiếu giáo viên nhiều hơn so với các vùng thuận lợi.

"Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày miễn phí mang đến nhiều lợi ích thiết thực, nhưng để đưa chính sách vào cuộc sống vẫn là "bài toán" nan giải. Để triển khai hiệu quả, cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng, và các giải pháp quy hoạch, quản lý đúng đắn", Đại biểu Trần Văn Thức đánh giá.

Để sớm đưa quyết sách vào cuộc sống

Chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí tạo kỳ vọng về một nền giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng hơn. Tuy vậy, theo ĐBQH Trần Văn Thức, việc triển khai khó tránh khỏi gây áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Để triển khai hiệu quả, cần có các giải pháp cụ thể như rà soát, sắp xếp Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để điều chỉnh hợp lý quy mô trường, lớp. Tránh tình trạng do thiếu phòng học nên tỷ lệ học sinh/lớp vượt xa so với quy định của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh đó, cần thu gọn các điểm trường lẻ, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, học sinh và người dân.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo, mà Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cần chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Về vấn đề huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện chủ trương, đại biểu Trần Văn Thức kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng.

Đáng chú ý, bên cạnh việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí, chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Ảnh màn hình 2025-05-12 lúc 17.34.08
Hoạt động nghệ thuật trong trường học (Ảnh: Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội)

Đại biểu Trần Văn Thức gợi ý vào buổi thứ 2 trong ngày, các thầy cô có thể hướng dẫn học sinh rèn luyện khả năng tự học, tăng cường các môn học về nghệ thuật, văn hóa, giáo dục thể chất. Đây là hướng đi đúng đắn, khoa học, cần là mục tiêu lâu dài hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh tiểu học và THCS.

"Việc tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật giúp học sinh giảm áp lực học tập, phát triển đa dạng kỹ năng. Ví dụ, nghệ thuật giúp các em sáng tạo, tự tin; hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai,.. Các quyết sách tốt đẹp này góp phần thực hiện mục tiêu hình thành những công dân phát triển lành mạnh, cả về thể chất và tinh thần", Đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh.

Trang Nhung