Sức khỏe

Cảnh báo bệnh liệt mặt mùa nóng nếu dùng quạt, điều hòa sai cách

Mạnh Hưng 13/05/2025 08:01

Nhiều người trẻ bị liệt mặt do dùng quạt, điều hòa sai cách trong mùa nóng. Bác sĩ cảnh báo bệnh có thể để lại di chứng nếu không điều trị sớm.

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 thông tin, tiếp nhận một nữ bệnh nhân, 30 tuổi bị liệt mặt ngoại biên.

Cụ thể, buổi sáng sau khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy liệt một bên mặt (bên phải), mắt nhắm không kín, nhân trung lệch, méo miệng khi nói. Hoảng sợ, người bệnh tự tìm cơ sở xoa bóp dân gian và điều trị liên tục trong 14 ngày nhưng tình trạng không cải thiện, thậm chí nặng hơn.

Sau khi nhập viện, người bệnh được chỉ định đo điện cơ và xác định liệt dây thần kinh VII ngoại biên phải có tổn thương sợi trục. Bệnh nhân được tư vấn nhập viện điều trị tích cực. Nhờ phối hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền, sau 3 tuần điều trị tích cực, người bệnh đã phục hồi khoảng 80% chức năng vùng mặt và tiếp tục theo dõi phục hồi.

BS CKI. Âu Văn Khê, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 cho biết, ghi nhận tại bệnh viện cho thấy, số ca liệt mặt tăng rõ rệt vào thời điểm chuyển mùa hoặc trong mùa nắng nóng cao điểm sử dụng quạt, điều hòa thường xuyên.

Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều người chủ quan không để ý rằng một cơn gió lạnh bất ngờ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng – như bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên, hay còn gọi là liệt mặt.

Đây không phải là vấn đề chỉ của người lớn tuổi hay người có bệnh nền; ngay cả người trẻ, khoẻ mạnh cũng có thể là nạn nhân nếu không chú ý bảo vệ cơ thể đúng cách trong mùa lạnh.

Theo Y học hiện đại, nguyên nhân phổ biến bao gồm: Nhiễm mưa, lạnh đột ngột: Gió, mưa lạnh làm co mạch nuôi thần kinh mặt, gây thiếu máu cục bộ dẫn đến tổn thương; Virus tiềm ẩn (HSV-1, zona thần kinh) tái hoạt khi cơ thể suy yếu do lạnh; Bệnh lý nền như rối loạn chuyển hóa, tuần hoàn não, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh VII.

Theo Y học cổ truyền, bệnh này thuộc phạm vi “Khẩu nhãn oa tà”, thường do phong hàn xâm nhập, khí huyết bế tắc ở vùng mặt. Người có thể trạng hư yếu, khí huyết kém lưu thông rất dễ bị “tà khí” xâm nhập khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Ngoài ra, có thể nhận biết liệt dây thần kinh VII ngoại biên qua các dấu hiệu như: Mặt mất cân đối, miệng méo lệch sang bên lành; Mất nếp nhăn trán, mắt bên liệt không nhắm kín; Nhân trung lệch, chảy nước khi uống, ăn dễ đọng thức ăn ở má; Có thể kèm đau tai, ù tai nếu nguyên nhân do virus

Nếu không điều trị sớm, có thể dẫn đến di chứng như co cứng cơ mặt, méo miệng kéo dài, giảm cảm giác vị giác…

Theo BS CKI. Âu Văn Khê, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả như:

Y học hiện đại:

– Thuốc corticosteroids, kháng virus (nếu có)

– Vitamin nhóm B (B1, B6, B12)

– Vật lý trị liệu: kích điện, tập cơ mặt, massage vùng mặt

Y học cổ truyền:

– Châm cứu huyệt vùng mặt như Hợp cốc, Thái dương, Giáp xa…

– Cứu ngải, xoa bóp bấm huyệt giúp thông kinh lạc, cải thiện tuần hoàn, giúp vùng cơ bị liệt nhão sớm hồi phục.

– Bài thuốc Y học cổ truyền: khu phong tán hàn, bổ khí huyết, hoạt huyết.

Kết hợp hai phương pháp này từ sớm giúp rút ngắn thời gian phục hồi và giảm thiểu di chứng.

Đồng thời, bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên phòng bệnh bằng những cách sau: Giữ ấm vùng đầu – cổ – mặt, đặc biệt khi đi xe máy, tắm khuya hoặc dùng điều hòa, mang áo mưa kín khi di chuyển ngoài trời mưa,..; Tránh ngồi trực tiếp trước quạt hoặc máy lạnh; Không tự ý xoa bóp nếu chưa có hướng dẫn chuyên môn; Đi khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ liệt mặt; Duy trì luyện tập nhẹ cơ mặt mỗi ngày nếu từng mắc bệnh.

Liệt mặt không chỉ là một tình trạng thẩm mỹ – mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh hoạt và tâm lý người bệnh. Khi thời tiết chuyển mùa thường là nóng sang lạnh hoặc mưa đầu mùa, cũng là lúc chúng ta cần nâng cao cảnh giác với những thay đổi bất thường của cơ thể.

Nếu thấy có dấu hiệu như miệng méo, mắt nhắm không kín,… hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mạnh Hưng