Văn hóa - Thể thao

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị:3 cam kết hứa hẹn tạo bùng nổ trong lĩnh vực văn hóa

Thảo Nguyên 13/05/2025 06:37

Nhà nghiên cứu về không gian văn hóa sáng tạo Trương Uyên Ly cho rằng, có 3 cam kết cần được bảo đảm thực hiện “đến nơi đến chốn” từ Nghị quyết 68 nhằm tạo ra sự bùng nổ thực sự cho doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa.

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân kỳ vọng khơi dậy tiềm năng và tạo động lực cho nhiều ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực văn hóa sáng tạo đang đứng trước nhiều cơ hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

So với các lĩnh vực khác, kinh tế tư nhân trong ngành văn hóa sáng tạo có đặc thù. Theo nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở bản chất kép - không đơn thuần là hoạt động kinh tế tạo ra lợi nhuận, văn hóa còn mang sứ mệnh cao cả là tạo cơ hội thụ hưởng và bảo đảm quyền tiếp cận văn hóa cho cộng đồng. Đây là bản chất cốt lõi, chi phối mọi hoạt động trong lĩnh vực này.

Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân trong lĩnh vực văn hóa đòi hỏi chú trọng sự hài hòa trong phát triển giữa yếu tố kinh tế và mục tiêu xã hội của văn hóa. Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng tạo ra sự cân bằng này bằng cách đồng hành với doanh nghiệp như một đối tác bền bỉ, ổn định và cởi mở, để cùng nhau đạt được mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội, đồng thời tạo ra môi trường lành mạnh phù hợp, giúp tạo nền tảng phát triển vững chắc cho doanh nghiệp văn hóa và nền kinh tế nói chung.

24a01025-7.jpg
Tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp văn hóa đóng góp vào sự phát triển chung. Ảnh: HFCD

Nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly cho rằng, có 3 cam kết cần được bảo đảm thực hiện “đến nơi đến chốn” từ Nghị quyết 68 nhằm tạo ra sự bùng nổ thực sự cho doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ nhất, nội dung Nghị quyết 68 đề ra xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, khi áp dụng hiệu quả đối với các sự kiện triển lãm, biểu diễn, công bố các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, sẽ tạo ra thay đổi nhảy vọt. Việc “xin” rồi mới được “cho phép” trưng bày công bố giới thiệu các tác phẩm không còn phù hợp với bản chất phục vụ nhu cầu xã hội và tạo ra các giá trị văn hóa xã hội đa dạng, hợp thời.

Kể từ sau Đổi mới, khi cơ hội thị trường dần mở ra trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc phải xin phép trở thành rào cản phát triển, gây lãng phí nguồn lực đáng kể. Một số chuyên gia từng chia sẻ, việc tiền kiểm nên để chính các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật làm dựa trên bộ quy tắc rõ ràng do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, xác định một sản phẩm văn hóa như thế nào được phép phổ biến.

Thứ hai, là hỗ trợ thuế, Nghị quyết 68 nêu nhiệm vụ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; ở Việt Nam cũng như tại nhiều nước, đại đa số doanh nghiệp văn hóa là doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 người; vậy thì họ có được coi là doanh nghiệp “nhỏ” để được miễn thuế không? Thêm vào đó, đa số doanh nghiệp văn hóa chật vật trong 5 năm đầu chứ không phải là 3 năm. Nếu miễn thuế 5 năm thay vì 3 năm cho doanh nghiệp văn hóa sẽ phù hợp hơn.

"Các quan điểm chỉ đạo tiến bộ trong Nghị quyết 68 cần phổ biến tới từng cán bộ thuế phụ trách doanh nghiệp văn hóa. Từng cán bộ thuế cần hiểu được đặc thù của doanh nghiệp văn hóa để tránh xử lý cứng nhắc hoặc cào bằng, dẫn đến mất cơ hội được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp văn hóa", bà Trương Uyên Ly kiến nghị.

Thứ ba, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương; theo bà Trương Uyên Ly, hoạt động văn hóa cần cơ sở vật chất mang tính mở để mọi người có thể đến tham dự các sự kiện như chiếu phim, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn… Từ rạp chiếu phim, nhà hát đến phòng triển lãm, không gian sáng tạo đa chức năng, đều đóng vai trò như những "ngôi nhà" văn hóa của cộng đồng.

Tính ổn định của các địa điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng mối liên kết bền vững giữa văn hóa và công chúng, góp phần xây dựng thương hiệu thành phố và thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự chi phối của thị trường bất động sản với giá thuê ngày càng tăng đang đặt các doanh nghiệp văn hóa vào tình thế khó khăn và thiếu ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và sự phát triển của họ.

"Doanh nghiệp văn hóa cần được hưởng chính sách hỗ trợ thuê nhà, đất; giá thuê, nhà đất cho doanh nghiệp văn hóa cần được giữ ổn định và thấp hơn giá thị trường, thể hiện cam kết chung tay thực hiện mục tiêu và bản chất phát triển xã hội của doanh nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn tạo ra sự ổn định để doanh nghiệp xây dựng uy tín, thu hút, duy trì và mở rộng lượng khán giả trung thành, từ đó giúp thúc đẩy đời sống văn hóa địa phương, tạo cơ hội cho các dịch vụ kinh doanh bổ trợ, góp phần nâng cao giá trị bất động sản cho khu vực địa lý mà họ cư trú", bà Trương Uyên Ly phân tích.

Việc tạo ra một môi trường cởi mở cho sáng tạo, ổn định về cơ sở vật chất, với các khuyến khích phù hợp và rõ ràng về thuế sẽ là những yếu tố then chốt để kinh tế tư nhân trong lĩnh vực văn hóa có thể phát triển đột phá, giúp xây dựng thương hiệu quốc gia, và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Thảo Nguyên