Chính trị

Hoàn thiện luật phù hợp tổ chức bộ máy và thực tiễn số hóa

Diệp Anh - Tuấn Tài 12/05/2025 21:33

Tại phiên thảo luận tổ chiều 12/5, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ thẩm quyền xét xử trong mô hình tòa án 3 cấp, đồng thời góp ý cụ thể cho Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo đảm khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

b1(4).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ

Tòa án khu vực cần rõ thẩm quyền xét xử tranh chấp lao động

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh bày tỏ đồng tình với nội dung sửa đổi các luật, đồng thời nhấn mạnh: Đây là điều cần thiết để phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát theo 3 cấp: Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực. Trọng tâm là việc chuyển đổi thẩm quyền giải quyết các loại án dân sự, hành chính khi không còn tổ chức TAND cấp huyện, cấp cao như hiện hành.

z6594143979021_e48f2c1ba1704ce45ef028ac172b83ee.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Đối với Bộ luật Tố tụng dân sự, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng: Thẩm quyền của các tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực hiện chưa được quy định rõ, đặc biệt với các tranh chấp và yêu cầu về lao động – vốn thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện theo luật hiện hành. Trong khi đó, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, không có tòa chuyên trách lao động ở cấp khu vực. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thẩm quyền xét xử các tranh chấp lao động cho Tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân khu vực, đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực trong việc tổ chức xét xử và phân công thẩm phán, trong bối cảnh chưa có tòa chuyên trách tương ứng.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị làm rõ cơ chế xử lý chuyển tiếp các vụ án dân sự, hành chính đang được giải quyết, bảo đảm không gián đoạn khi chuyển đổi mô hình tổ chức sang 3 cấp tòa án mới. Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và nhiệm kỳ đại biểu HĐND các cấp 2021–2026.

Xây dựng luật từ thực tiễn, không sao chép máy móc

z6594143978995_510563c38f41da3c4e8d608c44c0bb76.jpg
ĐBQH Phạm Phú Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Phạm Phú Bình cho rằng: Việc ưu tiên ý kiến của người đại diện theo pháp luật khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em là phù hợp, bởi trẻ em là nhóm yếu thế, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Tuy nhiên, cần rà soát lại khái niệm “trẻ em” trong hệ thống pháp luật. Cụ thể: Bộ luật Dân sự không dùng khái niệm “trẻ em” mà quy định “người chưa thành niên”, chia làm ba nhóm tuổi; Luật Trẻ em 2016 xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi; còn Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên lại quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo cần được hiệu chỉnh theo hướng hài hòa, đồng bộ với luật trong nước và pháp luật quốc tế.

Trước thực trạng trẻ em dùng mạng xã hội từ rất sớm, đại biểu Phạm Phú Bình đề nghị Luật cần có các biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng: Thời hạn 72 giờ như dự thảo là thiếu thực tế, nhất là với các doanh nghiệp có hệ thống dữ liệu lớn, phức tạp. Ngoài ra, nên cho phép xóa từng phần dữ liệu.

z6594796968899_dffcab7a37a89a900005beb8d8365ee9.jpg
ĐBQH Trần Đức Thuận phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Trần Đức Thuận nhận định: Đây là một dự luật khó, bởi được xây dựng khi Việt Nam mới triển khai Nghị định 13/2023/NĐ-CP trong thời gian ngắn. Những vướng mắc và thuận lợi thực tiễn chưa được đánh giá toàn diện, trong khi các quan điểm quốc tế về vấn đề này vẫn chưa thống nhất và chịu tác động lớn từ bối cảnh chính trị – xã hội từng nước.

“Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý riêng phù hợp thực tiễn, không sao chép máy móc mô hình nước ngoài. Quan điểm xuyên suốt là phải cân bằng giữa bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Dự thảo hiện quy định 11 quyền và 3 nghĩa vụ của cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền này”, đại biểu nhấn mạnh.

z6594143979025_1394264572c13ad4168582d91102aa01.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ.

Qua khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tại 6 nhóm lĩnh vực trọng yếu (công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, hành chính công), nhiều tổ chức cho rằng, chi phí tuân thủ sẽ rất lớn. Ví dụ, quy định xóa dữ liệu trong 72 giờ khiến các ngân hàng dự kiến phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho nâng cấp hệ thống.

Đại biểu Trần Đức Thuận cũng nêu rõ: nhiều quyền trong Dự thảo như “quyền được biết”, “quyền đồng ý”, “quyền yêu cầu xóa dữ liệu”, “quyền rút lại sự đồng ý” cần được làm rõ phạm vi áp dụng, tránh lạm dụng trong các lĩnh vực an ninh, tối mật. Đặc biệt, việc rút lại sự đồng ý hay yêu cầu xóa dữ liệu cần cơ chế chứng minh cụ thể, tránh tranh chấp, nhất là với lĩnh vực tài chính – ngân hàng vốn yêu cầu lưu trữ thông tin bắt buộc.

Làm rõ chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Cũng trong sáng nay, sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu đã phát biểu thảo luận, tranh luận. Đại biểu Nguyễn Vân Chi đã tranh luận về một số nội dung liên quan đến chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như trường học và bệnh viện.

z6592738557178_48527b4afb8a159619b999618c804603.jpg
ĐBQH Nguyễn Vân Chi phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi cung cấp thêm một số thông tin nhằm làm rõ cơ chế thu thuế hiện hành, tránh hiểu nhầm trong quá trình thảo luận chính sách. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công lập như học phí, viện phí. Các khoản thu này thường được thu qua biên lai, không phát hành hóa đơn và, theo quy định, không được tính là doanh thu tính thuế.

Tuy nhiên, đối với các khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài thì mới áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức thu 2% trên doanh thu từ hoạt động liên kết. Trong trường hợp này không áp dụng phương pháp tính thuế theo thu nhập trừ chi phí, mà chỉ tính trực tiếp trên doanh thu, không khấu trừ chi phí hay trích khấu hao.

Chính vì vậy, ý kiến cho rằng đang tính thuế theo phương pháp “thu nhập trừ chi phí” là chưa chính xác trong bối cảnh thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Diệp Anh - Tuấn Tài