Chính trị

Nếu nặng về cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND

Thanh Hải 12/05/2025 21:06

Thảo luận tại Tổ chiều 12/5, một số ĐBQH đề nghị, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội làm việc tại địa phương để phù hợp với bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay. Đồng thời nêu rõ, nếu nặng về cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND.

g1(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Hồ Long

Giữ nguyên số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh có hợp lý?

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) lưu ý, trước đây với 63 tỉnh, thành phố, nhưng bây giờ sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, trong đó có những địa phương nhập 2 - 3 tỉnh thành một tỉnh mới. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 7 của Luật hiện hành về dự kiến và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu. Theo đó, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ vẫn có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Đại biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu đang cư trú, làm việc tại địa phương lên 4-5 đại biểu; đồng thời, bổ sung quy định xử lý khi biến động nhân sự khiến số lượng đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương giảm so với ban đầu.

Quan tâm đến quy định về việc thành lập Ủy ban bầu cử, một số ĐBQH cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa xem xét việc tăng số lượng Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, đặc biệt các tỉnh thành sau khi sáp nhập.

p1(1).jpg
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nhận thấy, tại dự thảo Luật vẫn quy định Ủy ban bầu cử ở các tỉnh có 21-31 thành viên, tương dự như Luật hiện hành. Trong bối cảnh chúng ta sẽ tiến hành sáp nhập 2-3 tỉnh, thành phố với nhau, đại biểu đề nghị, cân nhắc tăng số lượng thành viên lên gấp đôi, hoặc với các địa phương đặc thù như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể quy định tối đa không quá 90 thành viên, để thực hiện nhiệm vụ bầu cử, bám địa bàn, hướng dẫn cơ sở và thực hiện đúng quy trình, thủ tục bầu cử.

Bên cạnh đó, dù dự thảo Luật đã quy định tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử ở xã lên từ 9 - 15 thành viên (quy định hiện hành là từ 9 – 11 thành viên), đại biểu cũng đề nghị, với những đơn vị sáp nhập từ 2 đến 3 xã cần tăng số lượng ủy viên Ủy ban bầu cử để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định cứng số lượng thành viên ở Ủy ban bầu cử đôi khi sẽ gây khó cho địa phương. Do đó, nên chăng quy định số lượng thành viên tối thiểu của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, cấp xã. Và, tùy theo tình hình thực tế của địa phương có thể tăng số lượng thành viên, tạo sự linh hoạt trong quá trình thực hiện, góp phần bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử.

Dự thảo Luật đang quy định danh sách Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, danh sách này cần được gửi đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn.

Bổ sung hình thức vận động bầu cử từ xa

g2(1).jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định tại Điều 8, 9 của Luật hiện hành, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhận thấy, nếu nặng về cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ việc bảo đảm về cơ cấu và chất lượng của đại biểu, qua đó bảo đảm chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND ở mức cao nhất.

“Thực tế có những ĐBQH, đại biểu HĐND phải gánh 3 - 4 cơ cấu là đại biểu trẻ, đại biểu nữ, tái cử… Như vậy sẽ khó cho địa phương trong bố trí ứng cử viên tham gia ứng cử”. Nêu thực tế này, đại biểu đề nghị, trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành bầu cử, các cơ quan chức năng cần chú ý phân bổ cơ cấu cho các địa phương, tránh xảy ra tình trạng địa phương phải gánh nhiều cơ cấu.

Một điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND lần này là quy định các hình thức vận động bầu cử đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến (sửa đổi, bổ sung Điều 65, 66 của Luật hiện hành).

g3.jpg
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhận thấy, với quy định mới tại dự thảo Luật, các ứng cử viên được gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương và ứng cử theo hình thức trực tiếp, trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Và, theo quy định tại dự thảo Luật, hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến giao chủ thể quyết định là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp.

Dù dự thảo Luật đã quy định việc tiếp xúc cử tri trực tuyến chỉ được thực hiện khi bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Nhưng, do đây là một hình thức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử mới, nên đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, cần bổ sung quy định giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hướng dẫn chi tiết.

“Quy định theo hướng này sẽ xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực hiện tiếp xúc cử tri trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, qua đó bảo đảm thực hiện thành công công tác bầu cử”, đại biểu nêu rõ.

Thanh Hải