Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bảo đảm quyền lợi tối đa cho người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Việc Làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cho rằng, cần điều chỉnh điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thay vì yêu cầu người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào tháng liền kề tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.
Điều chỉnh điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 40 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, bên cạnh những điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp như không thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian tối thiểu đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì điều kiện tiên quyết để người lao động phải đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, với quy định trên được hiểu là người có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động làm việc, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức Bảo hiểm xã hội xác nhận, điều này gây khó khăn cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc sẽ không có việc làm, không được trả lương nhưng cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, do đó không đáp ứng điều kiện hưởng.
Chính vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp này theo hướng người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay vì yêu cầu người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào tháng liền kề tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc.
Cùng với đó, tại Điều 41 của dự thảo quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 tháng đến đóng đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Với quy định trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, quy định này có lợi đối với những người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 năm trở xuống. Tuy nhiên, chưa bảo đảm quyền và lợi ích phù hợp cho người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm. Bên cạnh đó, xét thấy thực tế những người lao động đã tham gia vào thị trường lao động nhiều năm và đã qua tuổi trung niên nhưng vẫn còn trong độ tuổi lao động rất khó tìm được công việc phù hợp sau khi chấm dứt quan hệ lao động với người sử dụng lao động trước đó.
Theo đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Ban soạn thảo nên điều chỉnh nội dung này thành không giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12 tháng nữa mà tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của dự thảo này.
Cần làm rõ khái niệm và phạm vi hoạt động cung ứng lao động
Về dịch vụ việc làm được quy định ở khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29, dự thảo có quy định "hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm cả cung ứng và tuyển lao động cho người sử dụng lao động".
Với quy định trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh bày tỏ băn khoăn vì dự thảo hiện chưa quy định rõ cung ứng lao động được hiểu là gì, trong quá trình áp dụng có thể phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đã đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm và phạm vi hoạt động cung ứng lao động để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, tránh gây vướng mắc cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Cùng với đó, quy định về cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, tại khoản 3 Điều 30 của dự thảo có nêu "doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thành lập chi nhánh khi chi nhánh có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm và phải thực hiện thông báo cho cơ quan chuyên môn về việc làm nơi đặt trụ sở chính trước khi thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm".
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, khoản 5 Điều 30 của dự thảo, chỉ quy định chi tiết khoản 2 của điều này và quy định mẫu giấy phép, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại, nộp lại, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, không quy định chi tiết thế nào là "chi nhánh có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm". “Việc thiếu định nghĩa hoặc hướng dẫn cụ thể về tiêu chí chi nhánh cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập chi nhánh và thực hiện thủ tục thông báo, đặc biệt khi cơ quan tiếp nhận có thể áp dụng các tiêu chí khác nhau tùy theo quan điểm cá nhân”, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Theo đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung hoặc giao Chính phủ quy định rõ tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất đối với chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất và khả năng trong quá trình triển khai.