Chính trị

Đề xuất tăng thời gian miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp khoa học, công nghệ

Phi Long 12/05/2025 17:36

Phát biểu thảo luận tại hội trường về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) , ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho biết, một số nội dung mà Đoàn ĐBQH thành phố cũng như cá nhân đại biểu tham gia góp ý đã được tiếp thu đầy đủ; nhất là xử lý những vấn đề thuộc đối tượng thực hiện các luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đã được có cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ

Tham gia thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); trong đó, tập trung vào nhóm vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo đó, về thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động khoa học, công nghệ quy định tại Điều 4, đại biểu cho rằng: mặc dù, một số ý kiến đã nêu thời gian miễn thuế tối đa 3 năm như dự thảo Luật cơ bản cũng đã phù hợp; tuy nhiên, với thời gian là 3 năm thì chưa thực sự đủ trong việc khuyến khích đầu tư, nhất là trong chuyển đổi số và khoa học, công nghệ - những lĩnh vực rất mới mà chúng ta sẽ phải nỗ lực tiệm cận với thế giới.

"Thời gian 3 năm này là chưa đủ và tôi đề nghị cần thiết phải kéo dài thêm thời gian miễn thuế. Rất mong cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra sẽ ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực thực hiện trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên, như y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học AI cũng như công nghệ mới", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị.

pttm.jpeg
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội trường

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học, đại biểu cho rằng, cần thiết phải bổ sung đối với ứng dụng và thử nghiệm. Theo đó, dự thảo hiện mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất là chưa đủ vì ứng dụng, thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà. Do đó, rất cần tiếp tục gia cố nội dung này ở dự thảo luật.

Về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Điều 17, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cần giao Chính phủ quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong việc sử dụng quỹ gắn với chiến lược phát triển khoa học công, nghệ quốc gia và các ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Việc này giúp bảo đảm tinh thần mới trong xây dựng thể chế. Tùy vào mỗi một giai đoạn, mỗi một lĩnh vực trọng tâm trong từng giai đoạn mà Chính phủ sẽ quy định sẽ bảo đảm phù hợp, linh hoạt. "Không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội để bảo đảm tính kịp thời trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay", đại biểu đề xuất.

Liên quan đến chuyển lỗ đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 16, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, riêng đối với doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo thì thời gian chuyển lỗ cũng cần thiết phải tăng hơn so với dự thảo. Tuy nhiên, tăng đến đâu, thêm bao nhiêu, như thế nào thì Quốc hội đề ra nguyên tắc; còn lại giao cho Chính phủ tùy vào giai đoạn cụ thể để có thể quyết định và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp

Trong nhóm nội dung kiến nghị thứ hai, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nổi lên là 2 vấn đề gửi gắm đến Quốc hội.

Thứ nhất, về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thuế, có ý kiến cho rằng, nếu ghi chung là các khoản chi khác có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Dẫn chứng ý kiến của một số Chi cục thuế khu vực khi tham gia góp ý dự thảo Luật này, đại biểu bày tỏ: nếu như có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm trong luật là phải làm rõ những khoản chi khác là gì để tránh sự tùy tiện trong áp dụng; dẫn tới tình trạng doanh nghiệp này được trừ, doanh nghiệp khác không được trừ tạo sự không công bằng, không minh bạch. Vì vậy, cần cân nhắc xem xét đưa quy định này vào trong Luật.

Thứ hai, về phương pháp tính thuế áp dụng cho doanh nghiệp không hiện diện tại Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 11, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng: nhóm nội dung này cũng nhận được nhiều kiến nghị khi tổ chức lấy ý kiến góp ý Luật. Và đây là vấn đề khó trong quá trình quản lý các cơ sở kinh doanh nộp thuế. Theo đại biểu, việc xác định doanh thu chịu thuế trong các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, như: các nền tảng xuyên biên giới, thương mại điện tử, dịch vụ số... rất cần quy định nguyên tắc trong Luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Phi Long